Chữa không dứt điểm bệnh Whitmore, khi tái phát nguy cơ tử vong cao gấp nhiều lần

Thứ tư, 16/10/2019, 16:43 PM

Khi đã phát hiện ca bệnh Whitmore, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bởi điều trị bệnh này kéo dài ít nhất 6 tháng. Nếu không tuân thủ đúng thì sẽ dễ tái phát lại, khi đã tái phát lại tính nguy cấp của bệnh sẽ phát triển nhanh, khả năng tử vong cao.

chua-khong-dut-diem-benh-whitmore-neu-tai-phat-nguy-co-tu-vong-cao-gap-nhieu-lan
Bệnh whitmore sống trong môi trường đất và khi vào cơ thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Từ những ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại BV Bạch Mai, trên cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp mắc whitmore từ đầu năm đến nay, các tỉnh như Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ An, Hà Tĩnh và mới đây là Bình Định cũng liên tiếp phát hiện và điều trị nhiều trường hợp mắc loại vi khuẩn này.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn. Đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Whitmore không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936.

Trong chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ca bệnh đã được ghi nhận trên binh lính Pháp và Mỹ, trong đó có khoảng 250.000 lính Mỹ bị phơi nhiễm với vi khuẩn whitmore và nhiều cựu binh đã phát bệnh sau khi trở về nước. 

Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi đã khởi phát, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

chua-khong-dut-diem-benh-whitmore-neu-tai-phat-nguy-co-tu-vong-cao-gap-nhieu-lan
TS. Trịnh Thành Trung- Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Là một nhà khoa học đã dành hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi khuẩn Whitmore, TS. Trịnh Thành Trung- Trưởng phòng nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo TS Trung, bệnh whitmore có dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng đa dạng, khó phát hiện nên thường bị chuẩn đoán nhầm thành lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan… Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei là vi khuẩn sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn.

Lây nhiễm qua con đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa cũng đã được đề xuất. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí”. TS. Trịnh Thành Trung khuyến cáo, khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn Whitmore, nên đến những cơ sở y tế uy tín, có xét nghiệm vi sinh để chẩn đoán.

Một trong những xét nghiệm cuối cùng để chấn đoán có mắc bệnh này hay không đó là xét nghiệm vi sinh. Khi đã phát hiện ca bệnh, các bác sĩ lâm sàng sẽ có phác đồ điều trị, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bởi điều trị bệnh này kéo dài ít nhất 6 tháng.

Nếu không tuân thủ đúng thì sẽ dễ tái phát lại, khi đã tái phát lại tính nguy cấp của bệnh sẽ phát triển nhanh, khả năng tử vong cao. Để phòng tránh vi khuẩn Whitmore, TS. Trịnh Thành Trung cho biết: “Bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc vết trầy xước với đất và nước, nên một trong những yếu tố phòng bệnh là người dân cần có bảo hộ lao động như ủng, gang tay khi tiếp xúc đất, nước”.

Nhiều người thường coi căn bệnh whitmore là do vi khuẩn “ăn thịt người” gây ra, tuy nhiên với kinh nghiệm nghiên cứu lâu lăm, TS. Trịnh Thành Trung cho rằng: “Khái niệm vi khuẩn “ăn thịt người” hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, không phải là khái niệm của bệnh này.

Về cơ bản, đây là bệnh nhiễm khuẩn, có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là viêm phổi dẫn đến sốc nhiễm khuẩn huyết có thể dẫn đến tử vong, bên cạnh cơ quan tấn công là phổi thì còn nhiều cơ quan khác trên cơ thể gây áp se, bụi mủ chứ không phải vi khuẩn ăn thịt người. Gọi vi khuẩn “ăn thịt người” là không chính xác”.