Chuyện bất thường: Tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm bỗng dưng biến mất

Thứ tư, 22/04/2020, 16:36 PM

Đã có doanh nghiệp phản ánh sự bất thường khi có những tờ khai xuất khẩu gạo thành công trên hệ thống điện tử của Hải quan nhưng sau đó bị mất hết thông tin dữ liệu.

Empty

Liên quan đến lùm xùm xuất khẩu gạo lúc 0 giờ đêm khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc, đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ngày 22/4, tại Hội nghị bàn các giải pháp điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương chủ trì nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất thường trong việc khai xuất khẩu gạo.

Đại diện một công ty xuất khẩu gạo cho hay: Công ty đã đăng ký tờ khai thành công vào lúc 1h ngày 12-4, nhưng sau đó lại mất hoàn toàn thông tin.

Doanh nghiệp đã xếp hàng lên tàu nhưng mất hết thông tin trên dữ liệu hải quan. 9.700 tấn gạo đang trên sà lan nằm trên sông, cộng thêm lượng gạo tồn tại cảng thiệt hại ước tính hơn trăm tỷ đồng.

Báo Dân Trí dẫn lời đại diện một doanh nghiệp tại tỉnh An Giang cho biết, doanh nghiệp này có một chuyện rất oan ức và kêu cứu rất nhiều lần nhưng không được giải quyết. Đó là gạo của doanh nghiệp này kéo đến cảng Mỹ Thới (An Giang) trước ngày 24/3.

Hai tàu chở gạo của doanh nghiệp gồm một tàu 5.000 tấn và một tàu 4.700 tấn và doanh nghiệp cũng đã mở tờ khai trên hệ thống hải quan lúc 13 giờ 51 phút ngày 11/4, tức là sau khi Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu gạo với hạn ngạch 400.000 tấn.

Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp chất hàng lên tàu thì toàn bộ dữ liệu khai báo của doanh nghiệp trên hệ thống của hải quan “biến mất”.

“Chúng tôi khẩn cấp báo cáo sự việc lên Hải quan An Giang và Hải quan An Giang cũng bức xúc báo cáo lên Tổng cục Hải quan. Thế nhưng, đến nay, vụ việc vẫn không được giải quyết. Trong khi đó, gạo của chúng tôi vẫn nằm ở cảng. Mỗi ngày thiệt hại 200 triệu đồng, gần một tháng qua mất gần 6 tỷ đồng, chưa kể việc gạo có nguy cơ hư hỏng, đối tác đòi trả lại hàng”, đại diện doanh nghiệp nói.

Theo đại diện doanh nghiệp này, phía hải quan luôn ca ngợi máy móc hiện đại. Vậy khi những máy móc của hải quan gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì hải quan tính sao? Lô hàng của doanh nghiệp trị giá 100 tỷ đồng, nếu thiệt hại quá nặng thì doanh nghiệp chỉ có “chết”.

Đại diện một doanh nghiệp khác tại khu vực Tây Nam Bộ chia sẻ, mỗi ngày, doanh nghiệp của ông cũng phải đền bù thiệt hại cho hãng tàu vận chuyển là 350 triệu đồng vì gạo không xuất khẩu được. Doanh nghiệp này đang mong từng giây, từng phút để gạo được làm thủ tục xuất khẩu.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết với trường hợp doanh nghiệp đã khai thành công nhưng mất thông tin, Bộ đề nghị Tổng cục Hải quan phải kiểm tra lại; nếu đúng như trên thì nên tính số lượng gạo đã khai thành công của doanh nghiệp vào lượng 100.000 tấn gạo tạm ứng mà Thủ tướng cho phép xuất khẩu trong tháng 4 này. Cơ quan hải quan cần giải quyết ngay để doanh nghiệp không phải thiệt hại hơn nữa.

Ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết riêng tổng số lượng các hợp đồng đã ký (trước khi có lệnh ngừng xuất khẩu gạo - PV) của các doanh nghiệp nhưng chưa giao hàng đã là gần 1,3 triệu tấn gạo, trong khi chỉ cho phép xuất khẩu 400 ngàn tấn thì chắc chắn xảy ra những bức xúc của doanh nghiệp và hải quan là đơn vị bị "trút cơn thịnh nộ lên đầu tiên".

Thế nhưng, hệ thống khai tờ khai xuất khẩu hoàn toàn tự động, cơ quan hải quan mở thời điểm 0 giờ là đúng theo các quy định.

“Còn việc một số doanh nghiệp phản ánh liên quan tờ khai bị mất dữ liệu, Tổng cục Hải quan đã nhận đơn, đã yêu cầu các bộ phận công nghệ thông tin kiểm tra. Hải quan sẽ báo cáo lại với Bộ Công Thương để có hướng giải quyết”, ông Thành thông tin.

Chủ tịch Quốc hội lên tiếng

Sáng 22/4, sau khi nghe báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ có 35 phút để thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Xuất khẩu gạo khó khăn quá, sự lúng túng trong điều hành, quyết định vội vàng gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa”.

Theo Ủy ban Kinh tế cho biết, thời gian qua, nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Theo báo cáo này, năm 2020, cả nước thu hoạch ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc. Diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 là không đáng kể, vụ Đông Xuân được mùa, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, vì vậy sản lượng thóc gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tương đương sản lượng năm 2019.

Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ Đông Xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Tuy nhiên, diễn biến điều hành xuất khẩu gạo đã gây rất nhiều khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và nông dân.

Bài liên quan