Chuyên gia kinh tế nói về vụ 'siêu' doanh nghiệp 144 nghìn tỷ: 'Rất dễ xảy ra lừa đảo'

Thứ năm, 27/02/2020, 13:11 PM

TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ rằng ông cũng cảm thấy rất bất ngờ việc siêu doanh nghiệp có vốn đăng ký 144 nghìn tỷ đồng với 3 cổ đông ở làng quê Hoài Đức (Hà Nội).

Trụ sở của siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng ở làng quê Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: IT).

Trụ sở của siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng ở làng quê Hoài Đức, Hà Nội. (Ảnh: IT).

Sự thật về một "siêu doanh nghiệp" vừa đăng ký kinh doanh với số vốn khổng lồ lên đến 144 nghìn tỷ đồng tương đương 6,3 tỷ USD, gấp nhiều lần vốn của các Tập đoàn lớn như Viettel hay Vingroup... không chỉ khiến dư luận xôn xao mà ngay cả giới chuyên gia về kinh tế cũng bàng hoàng.

Không bàng hoàng, không sốc sao được khi siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng này bị bóc phốt chỉ là ảo khi trụ sở chỉ là căn nhà 3 tầng ở làng quê ngoại thành Hà Nội, còn các cổ đông của doanh nghiệp thì rất đỗi bình thường, có người chỉ làm nghề ship nước khoáng, người thậm chí còn đi thuê nhà trọ.

Thế nhưng đằng sau sự việc này là cả một vấn đề về pháp lý liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp hiện nay. Bởi trên thực tế, không thiếu những trường hợp doanh nghiệp dù trụ sở chỉ là căn phòng trọ sinh viên vẫn khai khống vốn đến ngàn tỷ đồng.

Dưới góc độ đầu tư, kinh tế trao đổi với PV về vấn đề này, chuyên gia đầu tư tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Bản thân tôi cũng rất bất ngờ với sự thật về siêu doanh nghiệp này. Thật là vô lý, làm gì có chuyện doanh nghiệp có vốn đăng ký cả tỷ đô la như thế, gấp mấy lần các tập đoàn lớn như thế mà trụ sở lại ở một căn nhà xa tít mù tắp, ngóc ngách làng quê ngoại thành".

Thế nhưng vị chuyên gia kinh tế cho rằng, càng bất ngờ hơn bởi việc đăng ký khai vốn đến con số tỷ đô như thế mà vẫn được cơ quan chức năng cấp phép thông qua một cách dễ dàng.

"Quả thật luật của chúng ta không chặt, không siết chặt ngay từ ban đầu, thế nhưng lẽ ra với trách nhiệm của mình cơ quan quản lý cũng phải xem xét thật kỹ trước khi cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp với số vốn như thế chứ, trách nhiệm này phải thuộc về các cơ quan chức năng", ông Hiếu chia sẻ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu.

Theo ông Hiếu, lợi dụng kẽ hở luật những trường hợp khai khống vốn là không hiếm nhưng việc khai khống vốn đến tỷ đô la thì thật "lạ". Vị chuyên gia này khẳng định, siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ chính là điển hình cho cái gọi là công ty ma.

"Sự việc này chúng ta phải nhìn lại việc đăng ký kinh doanh, phải siết chặt việc kê khai vốn ngay từ ban đầu bởi việc kê khai dễ dàng này khiến tình trạng lừa đảo, phá sản, kinh doanh bết bát diễn ra rất phổ biến.

Không lạ khi mỗi năm thống kê lại cho thấy có cả ngàn doanh nghiệp vừa đăng ký vốn lại phá sản", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, nếu các doanh nghiệp khai khống vốn không được giám sát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra lừa đảo đối tác, lừa đảo vay vốn ngân hàng dẫn đến nợ xấu.

Trở lại câu chuyện về pháp lý, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư hiện tại thì việc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp được pháp luật tôn trọng quyền tự quyết, tự chủ về tài chính (trừ các trường hợp yêu cầu về vốn pháp định).

Theo quy định tài Điều 48, 74, 112 thì thời hạn góp vốn (hoàn thành vốn góp theo thỏa thuận và đăng ký) là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận hoặc theo điều lệ của công ty.

Trong trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Tuy nhiên, TS Hiếu cho rằng, cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng đủ nhân lực và thời gian để giám sát được đối với các doanh nghiệp khai khống vốn.

"Đó chẳng khác gì chuyện thả gà ra đuổi bắt, chúng ta phải siết chặt việc kê khai đăng ký vốn ngay từ ban đầu", TS Nguyễn Trí Hiếu nói đồng thời cho biết, 3 cổ đông của "siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ" có thể phải đối mặt với việc xử lý hình sự nếu xảy ra trường hợp lợi dụng việc khai khống vốn để lừa đảo.

"Cần thiết phải làm rõ mục đích của các cổ đông lập ra doanh nghiệp này là gì, nếu chưa gây hậu quả thì có thể chỉ bị nhắc nhở, xử phạt hành chính. Đây là bài học rút ra với cơ quan chức năng, những nhà làm luật...", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Bài liên quan