Cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Thứ hai, 11/02/2019, 10:52 AM

Cỏ mần trầu là một trong những loại cây cỏ quen thuộc trong vườn. Ngoài ra, cỏ mần trầu còn là vị thuốc dân gian hỗ trợ điều trị các bệnh: huyết áp cao, sốt cao, co giật... 

co-man-trau-co-tac-dung-gi
Cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Cỏ mần trầu là gì?

Cỏ mần trầu là loại cây có vị ngọt, tính mát được dùng để hỗ trợ điều trị các bệnh: huyết áp cao, sốt cao, co giật...

Cỏ mần trầu sống hàng năm và mọc sum sê thành cụm. Ở Việt Nam, cỏ mần trầu mọc nhiều ở vùng đồng bằng, trung du cho đến những vùng núi cao.

Cỏ mần trầu không chỉ là bài thuốc truyền miệng mà nó có tên trong sách dược liệu của nhiều quốc gia. Cỏ mần trầu còn gọi là cỏ vườn trầu, thanh tâm thảo, ngưu cân thảo... tên khoa học là Eleusine indica, thuộc họ lúa.

Đặc điểm cơ bản của cỏ mần trầu

+ Là cây thân cỏ, sống hàng năm. Cây có rễ khỏe, thường mọc thành từng cụm. Thân cây thẳng hoặc mọc bò ở độ cao khoảng 10 - 60cm.

+ Cỏ mần trầu có lá hình dải thường dài khoảng 10 - 30cm và lá mềm, ở phần bẹ có lông.

+ Cây có hoa mọc thành bông thường gồm 5 đến 7 bông mọc ở ngọn và 2 bông mọc ở vị trí khác thấp hơn.

+ Cỏ mần trầu thường có hoa vào mùa hạ và mùa thu, quả hình thuôn dài gần như có 3 cạnh.

+ Cây cỏ này thường mọc hoang ở các bãi cỏ ven đường thường dùng làm thuốc chữa bệnh hoặc thức ăn cho gia súc.

Cỏ mần trầu có tác dụng gì?

Theo y học cổ truyền, cây có vị ngọt nhạt, tính mát, không độc, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, mát gan, giải độc, lợi tiểu, hạ áp, hạ sốt và sốt rét...

- Chữa tăng huyết áp: dùng cây tươi 500g, rửa sạch, giã nát, thêm 1 bát nước đun sôi để nguội. Lọc qua vải và vắt lấy nước cốt, thêm ít đường cho đủ ngọt. Uống 2 lần, sáng và chiều.

- Sốt cao, co giật, hôn mê: Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.

- Lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu ít, nước tiểu vàng lấy cỏ mần trầu (40g), sắc 200ml uống một lần trong ngày.

- Chữa viêm tinh hoàn: Cỏ mần trầu 60g. Cùi vải 10 cùi.Sắc uống.

- Phụ nữ có thai: Khi phụ nữ mang thai thấy bgười nóng, táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực. Ngày sắc 12 - 16g khô trong 300ml nước uống 2 - 3 lần.

- Trẻ con mụn nhọt, sốt cao, sốt xuất huyết, rôm sảy, ban đỏ, tưa lưỡi lấy cỏ mần trầu tươi (120g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Cỏ khô 20g sắc với 400ml nước còn 100ml chia uống hai lần.

- Nóng trong người, tiểu gắt và vàng, da mẩn đỏ, cỏ mần trầu (40g), sắc uống một lần trong ngày, có thể thêm 20g rễ cỏ tranh sắc chung uống trong ngày.

- Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa: Lấy cỏ mần trầu tươi, rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt uống. Ngày 2 – 3 lần.

- Trẻ đái dầm lấy 20g cỏ mần trầu, mùi tàu 20g, rau ngổ 20g, cỏ sữa lá nhỏ 10g thái nhỏ, sắc uống sau bữa ăn chiều.

- Tóc bạc sớm: Ngoài ra, cỏ mần trầu với bồ kết đun lấy nước để gội đầu dùng trị tóc bạc sớm.

- Rụng tóc: Người dân quê dùng cỏ mần trầu nấu chung với hương nhu, bồ kết gội đầu để bóng mượt ngăn rụng tóc.

Trên đây là một số thông tin về tác dụng của cỏ mần trầu. Mọi người lưu ý không nên tự ý sử dụng các bài thuốc từ cỏ mần trầu mà cần phải có sự tư vấn của các bác sĩ trước khi sử dụng.