Có thể xử lý hình sự đơn vị quản lý cách ly của Vietnam Airlines

Thứ sáu, 04/12/2020, 06:25 AM

Trong vụ nam tiếp viên Vietnam Airlines (bệnh nhân 1342) làm lây Covid-19 ra cộng đồng theo các luật sư đơn vị quản lý cách ly của Vietnam Airlines và cán bộ phụ trách có thể bị xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm.

Nam tiếp viên Vietnam Airlines (bệnh nhân 1342) làm lây Covid-19 ra cộng đồng

Nam tiếp viên Vietnam Airlines (bệnh nhân 1342) làm lây Covid-19 ra cộng đồng

Cơ quan An ninh điều tra TP HCM vừa khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự; đồng thời điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan việc BN1342, nam tiếp viên của Vietnam Airlines (VNA), mắc Covid-19 hôm 29/11.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM diễn ra chiều 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Công an thành phố khởi tố bị can với bệnh nhân 1342 (nam tiếp viên Vietnam Airlines làm lây Covid-19 ra cộng đồng) về hành vi vi phạm quy định cách ly, làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng.

Người đứng đầu TP HCM cho biết không phải mỗi ca bệnh đều tự giác khai nhận từ đầu. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân 1342 đã đi học ở Đại học Hutech nhưng không tự giác khai với cơ quan chức năng.

"Như vậy là thiếu trách nhiệm với cộng đồng, cho nên trường hợp này sắp tới đề nghị khởi tố bị can. Hành vi không chấp hành đúng quy định dẫn đến hậu quả tác động ghê gớm", ông Phong nói và cho rằng mỗi người dân phải giữ an toàn cho bản thân mình cũng như cộng đồng và xã hội.

Theo một số luật sư, ngoài sai phạm của nam tiếp viên tên D.T.H., đơn vị quản lý việc cách ly của VNA và cán bộ phụ trách công tác cách ly cũng có trách nhiệm khi để dịch bệnh lây lan.

Nói trên Zing.vn, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp, đánh giá đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia trên thế giới bị thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và con người. Do đó, các hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng rất nguy hiểm và cần phải xem xét xử lý hình sự người vi phạm.

Đối với trường hợp BN1342 (nam tiếp viên Vietnam Airlines tên D.T.H.), luật sư Cường cho rằng bệnh nhân đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh nhưng giấu thông tin, gian dối trong việc khai báo y tế. Sau đó, nam tiếp viên hàng không không giữ khoảng cách an toàn, vẫn tiếp xúc với người nhiễm bệnh tại khu cách ly tập trung. Khi trở về nhà, bệnh nhân còn tự ý tiếp xúc với người khác khiến một số người bị nhiễm bệnh và hàng trăm người bị cách ly. 

Theo ông Cường, việc BN1342 vi phạm quy định về cách ly đã khiến nhiều cơ quan, ban ngành phải khởi động các biện pháp để phòng chống dịch bệnh. Nhiều cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng, không ít học sinh, sinh viên phải nghỉ học, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhiều tổ chức, cá nhân.

"Hành vi của nam bệnh nhân này rất đáng lên án và phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", luật sư nêu quan điểm.

Cùng với việc phân tích sai phạm của BN1342, luật sư Cường còn cho rằng để xảy ra sự cố làm lây lan dịch bệnh, đơn vị cách ly của Vietnam Airlines và chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm.

Theo luật sư, cách ly tập trung cần phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày. Nếu cách ly chưa đủ 14 ngày, xét nghiệm chưa đủ 3 lần thì chưa đảm bảo an toàn. Ngoài ra, trong thời gian cách ly tập trung, người bắt buộc cách ly có sự tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp với người khác nhưng không đảm bảo an toàn, thì hành vi này vi phạm quy định về cách ly tập trung.

Trong vụ việc này, luật sư nhận định nam tiếp viên VNA vi phạm quy định về cách ly tập trung. Do vậy, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của đơn vị quản lý cách ly và cán bộ phụ trách đơn vị này.