Cơn sốt mang tên 'thiếu xăng dầu'

Thứ tư, 12/10/2022, 06:32 AM

Bệnh nhân xếp hàng mua xăng tặng bác sĩ, người dân nhiều khu vực ở Hà Nội đổ đi mua trong đêm... càng khiến cơn sốt mang tên "thiếu xăng dầu" lan rộng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bệnh nhân xếp hàng mua xăng tặng bác sĩ

Mới đây, câu chuyện được bệnh nhân tặng xăng được bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh (Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ và nhận được nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh việc đổ xăng ở TP.HCM vô cùng khó khăn.

Cụ thể, khi thấy bác sĩ Thanh đi bộ từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang phòng khám ngoài giờ, một đồng nghiệp hỏi lý do. Bác sĩ cho biết, xe của chị sắp hết xăng nhưng chạy cả chục cây xăng không cách nào đổ được. Vậy nên chị đi bộ cho yên tâm.

Một bệnh nhân (ngụ ở Đăk-Lắk) nghe được cuộc nói chuyện, liền lẳng lặng đi… xếp hàng. Khi trở lại phòng khám, người này mang theo một can 10 lit xăng để tặng bác sĩ Thanh mang về dùng.

Chia sẻ của bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh trên Facebook cá nhân.

Chia sẻ của bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh trên Facebook cá nhân.

Để mua được 10 lít xăng này không hề dễ dàng vì 2 ngày qua, nhiều cửa hàng xăng dầu ở TP.HCM đóng cửa không bán hoặc bán giới hạn số lượng. Nhiều nơi không cho bán xăng vào can hoặc chai nhựa. Người dân phải xếp hàng 15-20 phút, thậm chí chờ trong mưa để đến lượt.

Bác sĩ Thanh cho hay, chị cảm thấy xúc động và ấm áp với tình cảm của người bệnh. Vì đang làm việc nên chị cất can xăng vào một góc nhưng mùi vẫn rất nồng. Thêm vào đó, nguy cơ cháy nổ rất cao nên chị vừa mừng vì quà “độc, lạ” nhưng cũng thấp thỏm lo lắng cho an toàn của mọi người.

“Tôi đã chứng kiến nhiều ca bỏng xăng nên lo ngay ngáy, sợ lắm. Vậy nên tôi chạy xe lên, cuộn miếng giấy cứng làm phễu rồi nhờ chú bảo vệ đổ vào giùm”, chị cười nói.

Những ngày qua, người dân TP.HCM rơi vào tình cảnh "khát xăng". Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, tình hình thiếu nguồn xăng đang dẫn đến phát sinh một số cửa hàng không còn xăng để bán. Tính đến chiều 10/10, TP có 121/550 cửa hàng không còn xăng bởi các đơn vị cung cấp thiếu hoặc không còn hàng để cung cấp.

Theo danh sách cập nhật, các cửa hàng xăng dầu tạm hết hàng trên địa bàn TP.HCM phổ biến ở các quận/huyện vùng ven. Đến rạng sáng ngày 11/10, hàng trăm người dân vẫn xếp hàng để đến lượt mua xăng, chuẩn bị cho ngày mới đi làm yên tâm hơn.

Nhiều người Hà Nội đổ đi mua trong đêm vì sợ thiếu xăng dầu

Ghi nhận của VnExpress tối qua cho thấy nhiều cây xăng tại Hà Nội trong tình trạng đông nghẹt người dân xếp hàng, chờ tới lượt và phần nhiều là xe máy.

Ghi nhận tại Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy), cả 3 trạm xăng trên phố này cũng kín xe máy chờ đến lượt mua. Tuy nhiên, trụ bơm cho ôtô thông thoáng, không có tình trạng phải chờ đến 15-20 phút một lượt như xe máy.

Lo thiếu xăng dầu, 9h tối, anh Minh Đức ở Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy) dắt xe đi mua xăng. Anh không muốn sáng hôm sau gặp cảnh phải đi nhiều nơi mới đổ được xăng, có thể đi làm muộn. Thế nhưng, anh đi nhiều cây quanh khu vực gần nhà mà chỗ nào cũng kín xe máy chờ.

Cây xăng trên trường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), xe máy xếp hàng dài chờ tới lượt đổ nhiên liệu. Ảnh: Tú Anh

Cây xăng trên trường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội), xe máy xếp hàng dài chờ tới lượt đổ nhiên liệu. Ảnh: Tú Anh

"Tôi xếp hàng tại một cây xăng ở Nguyễn Phong Sắc khoảng 15 phút vẫn chưa đến lượt nên phải chạy qua cây khác lớn hơn", anh nói. Gần 22h, anh Đức mới có thể đổ được 70.000 đồng xăng ở Petrolimex trên đường Xuân Thủy.

Gần 22h, dòng người vẫn đổ về một số cây xăng trên các tuyến đường Láng, Nguyễn Lương Bằng, Thanh Nhàn...

Tại cửa hàng xăng trên đường Láng (Đống Đa) có 6 trụ bơm dành cho xe máy nhưng chỉ có 4 nhân viên phục vụ, hai trụ xăng dừng hoạt động. Xe máy xếp hàng vòng trong ngoài, chật cứng.

Chị Hằng (Khương Thượng) cho hay đã chờ tại đây gần 15 phút mà chưa tới lượt. Xe cạn xăng nên chị cũng không thể di chuyển sang cây xăng khác nên đành xếp hàng chờ.

Quản lý cây xăng tại đường Trần Phú (Hà Đông) cho biết ba ngày nay lượng hàng bán tại cửa hàng này tăng gấp 3 so với trước. Thường sau điều chỉnh tăng giá bán lẻ, người tới đổ khá vắng, nhưng hôm nay ngược lại. Mọi người vẫn ùn ùn đổ tới, nhân viên bơm không ngơi tay.

Không còn vốn nhập xăng dầu

Nhiều doanh nghiệp từ đầu mối đến phân phối, bán lẻ xăng dầu đều cho biết đến nay họ không còn sức để gồng lỗ. Vì nhập tàu nào về lỗ tàu đó, mỗi ngày lỗ từ vài triệu, chục triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy theo quy mô hệ thống.

Về việc thiếu nguồn cung trên thị trường, chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho rằng, để trấn an dư luận, minh bạch chính hoạt động của Bộ Công Thương, cơ quan này cần yêu cầu toàn bộ các doanh nghiệp đầu mối hằng ngày nộp số liệu tồn rồi công bố số liệu đó lên trang web của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu toàn quốc nắm được và cùng giám sát.

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu nói rằng, Bộ Công Thương đã thừa nhận việc doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cùng hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ đang trong cảnh không còn vốn nhập xăng dầu do bị lỗ kéo dài.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các công ty phân phối xăng dầu cho biết sau kỳ điều hành chiều 11/10, mức chiết khấu mới vẫn rất thấp, tình trạng các cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa, thiếu nguồn hàng vẫn chưa được giải quyết căn cơ.

“Sau kỳ điều chỉnh, báo giá mới nhất để lấy hàng hôm nay (12/10) của một đầu mối nhập khẩu cho biết xăng A95 vẫn hết hàng, dầu diesel chiết khấu 0 đồng. Đây là mức chiết khấu giao tại kho của đầu mối nhập khẩu, cửa hàng phải chịu chi phí vận chuyển về nơi bán lẻ. Với tình trạng chiết khấu thế này, cộng với nguồn cung xăng A95 vẫn khan hiếm thì các cửa hàng xăng dầu vẫn thua lỗ. Liên bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất tính lại chi phí trong giá cơ sở nhưng tính không đến nơi đến chốn, không giải quyết được vấn đề gì cả” - đại diện một công ty nói với báo Pháp Luật TP.HCM.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT), phân tích trên tờ Pháp luật TP HCM: Vừa qua giá xăng dầu thế giới lên rất cao, sau đó giảm liên tục. Chúng ta điều chỉnh theo giá xuống nhưng các DN đã mua xăng dầu từ trước đó 10-20 ngày khi giá cao, giờ giá xuống, họ phải bán giá thấp nên lỗ vốn. Điều này dẫn đến hiện tượng cửa hàng xăng dầu đóng cửa, người dân xếp hàng dài để mua xăng…

Do vậy, vấn đề mấu chốt giải quyết tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa là phải điều chỉnh lại chi phí nhất định trong kinh doanh xăng dầu để các DN bán hết số xăng dầu mua giá cao trong thời gian trước đó.

“Nếu điều chỉnh mà không tính đến việc họ đã mua xăng dầu giá đắt rồi phải bán với giá thấp, không được chiết khấu thì tình trạng đóng cửa vẫn diễn ra, an ninh xăng dầu vẫn bị đe dọa. Tình hình này hai bộ Công Thương - Tài chính cần đối thoại với các DN, đại lý xăng dầu để tìm giải pháp. Câu hỏi hai bộ đã làm hết trách nhiệm chưa rất tế nhị và rõ ràng” - ông Doanh nói.