Covid-19 ngày 15/4: 44 triệu người Hàn Quốc đi bầu cử, Số người chết ở Mỹ gấp 6 lần Trung Quốc

Thứ tư, 15/04/2020, 19:00 PM

Tính đến chiều nay 15/4, số ca nhiễm toàn cầu đã vượt mốc 2 triệu. Các chuyên gia cảnh báo Mỹ có thể phải áp dụng các biện pháp hạn chế đến năm 2022 nếu chưa có vắc xin.

Các cư tri đi bỏ phiếu ở Hàn Quốc ngày 15/4.

Các cư tri đi bỏ phiếu ở Hàn Quốc ngày 15/4.

Tình hình dịch bệnh ngày 15/4: Covid-19 đã có hơn 2 triệu ca nhiễm

Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 2 triệu người nhiễm, hơn 126.000 người chết và hơn 478.000 người đã hồi phục.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 614.000 ca nhiễm, trong đó hơn 26.000 người chết, tăng lần lượt hơn 26.000 và 2.407 ca. Tổng số người chết ở Mỹ cao nhất thế giới.

Top 10 nước có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất thế giới theo thứ tự gồm: Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.

Tây Ban Nha và Italy vẫn là những vùng dịch lớn nhất ở châu Âu, với khoảng 174.000 và 162.000 ca nhiễm tương ứng. Số ca tử vong vì dịch ở cả hai nước lần lượt là hơn 18.756 và hơn 21.000 ca.

Pháp có 143.303 ca nhiễm, tăng tới hơn 6.524 ca, trong đó có 15.729 ca tử vong, tăng 762 ca.

Số ca nhiễm tại Đức tăng 2.138 ca. Đức đã ghi nhận 132.210 ca nhiễm và 3.495 ca tử vong, tăng 301 ca.

Số ca nhiễm ở Anh đã vượt Trung Quốc, lên hơn 93.873 ca, tăng hơn 5.200 ca một ngày, trong đó có 12.107 ca tử vong, tăng 778 ca một ngày.

Dịch Covid-19 ở Nga dường như cũng bị mất kiểm soát. Nước này đã có 21.102 ca nhiễm, 170 ca tử vong, tăng lần lượt 2.774 và 22 ca.

Tại Đông Nam Á, Philippines đã vượt Malaysia trở thành vùng dịch lớn nhất với 5.223 ca nhiễm, tăng 291 ca, trong đó có 335 ca tử vong, tăng 20 ca.

Malaysia có 4.987 ca nhiễm, 82 ca tử vong. Indonesia có 4.839 ca nhiễm, 459 ca tử vong. Indonesia có số ca tử vong nhiều nhất Đông Nam Á và thứ hai châu Á.

Tình hình dịch bệnh ngày 15/4: Mỹ có thể phải duy trì giãn cách xã hội đến 2022

Trong hai tuần đau thương, số người chết vì COVID-19 ở Mỹ tăng đến hơn sáu lần, từ 4.064 lên 26.047. Số ca nhiễm tăng gấp ba lần từ 189.967 lên 613.886. Số ca nhiễm mới của Mỹ trong giai đoạn này tương đương tám nước khác cộng lại.

Số người chết vì COVID-19 của Mỹ trong 2 tuần thậm chí gấp 6 lần con số của Trung Quốc trong cả đại dịch.

Tính đến hết ngày 14/4, chỉ riêng bang New York đã có hơn 200.000 ca nhiễm, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới. 

Trước tình hình đó, Mỹ tính đến phương án phải duy trì giãn cách xã hội đến 2022.

"Các đợt giãn cách xã hội ngắt quãng có thể phải được áp dụng cho tới năm 2022, trừ khi khả năng chăm sóc tích cực tăng lên đáng kể hoặc có phương pháp điều trị hay vắc xin", nhóm chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard cho biết trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 14/4.

Nghiên cứu sử dụng thông tin về Covid-19 cùng các chủng virus corona khác để xây dựng những kịch bản có thể xảy ra, thậm chí cảnh báo nguy cơ tái bùng phát tới tận năm 2024, ngay cả khi Covid-19 có thể bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, Nhà Trắng dự báo đại dịch có thể kết thúc vào mùa hè năm nay.

Nghiên cứu trên cũng chưa chắc chắn khả năng mọi người có khả năng miễn dịch sau khi nhiễm Covid-19.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo Covid-19 có thể trỗi dậy rất nhanh ngay sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế

"Nếu thực hiện giãn cách theo đợt, chúng ta có thể phải thực hiện biện pháp này trong vài năm và đó là khoảng thời gian rất dài", tiến sĩ Marc Lipsitch, thành viên nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.

Biện pháp giãn cách xã hội được đánh giá là đã phát huy hiệu quả trong chống Covid-19. "Giãn cách xã hội là một trong những vũ khí mạnh nhất để chống Covid-19", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield nói.

Tình hình dịch bệnh ngày 15/4: Nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu nới phong tỏa

Dù Tây Ban Nha đang có hơn 174.000 ca nhiễm, 18.756 ca tử vong, nhưng ngày 13/4, Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa.

Chính phủ Tây Ban Nha bắt đầu cho phép các lao động trong ngành xây dựng và sản xuất quay lại làm việc theo những quy định nghiêm ngặt về an toàn.

Đây là một bước tiến nhỏ hướng tới nỗ lực tái khởi động nền kinh tế bị đại dịch làm suy yếu.

Khắp châu Âu cũng đang dần đưa một số lĩnh vực hoạt động trở lại. Tại Italy, các cửa hàng thuộc một số lĩnh vực kinh doanh được phép mở cửa lại từ ngày 14/4.

Tại Áo, khách hàng được phép đến các nhà vườn và cửa hàng bán đồ gia dụng, nhưng phải đeo khẩu trang.

Đan Mạch đã bắt đầu mở lại các trường học sau khi đóng cửa cả tháng vì dịch Covid-19. Đây là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có quyết định này.

Tình hình dịch bệnh ngày 15/4: Hàn Quốc tổ chức bầu cử giữa dịch COVID-19

Hàn Quốc vẫn tiến hành bầu cử đại biểu của quốc hội khóa mới dù hầu hết các quốc gia đang thực hiện giãn cách xã hội để ngăn dịch.

Khoảng 14.000 điểm bỏ phiếu đã mở cửa sáng 15/4 trên khắp Hàn Quốc sau khi công tác khử trùng được tiến hành.

Các cử tri đã được yêu cầu đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào điểm bỏ phiếu. Ai có nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,5 độ C sẽ được chuyển tới một khu đặc biệt. Dự kiến khoảng 44 triệu cử tri Hàn Quốc tham gia bỏ phiếu.

Hàn Quốc được cho là đã kiềm chế thành công dịch bệnh. Nước này đã ghi nhận 10.591 ca nhiễm, tăng chỉ 27 ca, trong đó có 225 ca tử vong, tăng 3 ca trong một ngày.

Bài liên quan