Cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay tòa nhà trái phép trên đèo Mã Pì Lèng

Thứ sáu, 04/10/2019, 08:16 AM

Cộng đồng mạng đang dậy sóng kêu gọi tẩy chay tòa nhà trái phép trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

cong-dong-mang-keu-goi-tay-chay-toa-nha-trai-phep-tren-deo-ma-pi-leng
Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê trên đèo Mã Pì Lèng khiến cộng đồng bức xúc - Ảnh: Facebook Mã Pì Lèng Panorama

Cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay tòa bê tông, bảo vệ "báu vật thiên nhiên"

Gần đây, cộng đồng mạng đang cùng nhau kêu gọi cùng nhau tẩy chay tòa nhà trái phép cao 7 tầng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (hay còn gọi là Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Mục đích của việc tẩy chay trên được các cư dân mạng cho rằng là nhằm bảo vệ nơi được cho là "Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam", hay còn được gọi là "báu vật thiên nhiên" trước sự xâm hại của những công trình bê tông tương tai.

Bởi nhiều người cho rằng, hôm nay có một tòa nhà thì ngày mai, tương lai sau này sẽ có hành chục, hàng trăm tòa nhà tương tự mọc lên.

Trên Facebook nhà báo Trần Đăng Tuấn (người từng gửi tâm thư kêu gọi Hà Nội bảo vệ cây xanh, và gắn bó với cuộc sống vùng cao bằng nhiều chương trình thiện nguyện) cũng tâm tư chia sẻ và kêu gọi cộng đồng cùng tẩy chay tòa nhà này để bảo vệ nơi được coi là "báu vật thiên nhiên" của Việt Nam.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn viết: "Bạn lên Mã Pì Lèng là để thấy nước mình có những nơi đẹp đến kỳ ảo.Nhưng nếu bạn vào dùng dịch vụ của quán - Hotel này, là bạn góp một phần để đẩy gần cái ngày sẽ không còn cảnh quan Mã Pì Lèng để thưởng ngoạn nữa. Vì một cái kiếm được tiền sẽ mọc lên những cái khác, rất nhanh thôi! Con cháu bạn sẽ thấy những cái răng sâu Bêtông lổn nhổn dọc bờ dốc hùng vĩ này..."

Dòng kêu gọi tẩy chay tòa nhà phá vỡ cảnh quan trên đỉnh Mã Pì Lèng trên Facebook nhà báo Trần Đăng Tuấn được nhiều like và chia sẻ.
Dòng kêu gọi tẩy chay tòa nhà phá vỡ cảnh quan trên đỉnh Mã Pì Lèng trên Facebook nhà báo Trần Đăng Tuấn được nhiều like và chia sẻ.

Dòng kêu gọi của nhà báo Trần Đăng Tuấn ngay lập tức nhận được nhiều sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng mạng với hàng nghìn lượt bình luận, hơn 13 nghìn lượt like và 5 nghìn lượt chia sẻ chỉ sau ít giờ đồng hồ.

Đỉnh Mã Pì Lèng (hay còn gọi là Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từ lâu đã được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Cùng với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và hẻm vực sông Nho Quế, nơi đây là di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan.

Mã Pì Lèng được mệnh danh là "Tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam (bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin).

Mã Pì Lèng có cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với một bên là núi đá gai góc trùng điệp, phía dưới là dòng sông Nho Quế xanh mướt, mềm mại như thể một bức tranh thủy mặc.

Công trình "4 chưa", được chính quyền ưu ái?

Tòa nhà trái phép trên đèo Mã Pì Lèng nằm ở ngay hẻm vực Tu Sản, hông đèo Mã Pì Lèng. Công trình này xuất hiện từ năm 2018 với chiều cao 7 tầng đuổi nhau từ dưới lên mặt đường.

Theo báo Dân Việt: Chủ đầu tư công trình trên là bà V.T.A (SN 1962), có địa chỉ thường trú tại TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Công trình được khởi công từ đầu năm 2018, đến năm 2019 chính thức hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà V.T.A do Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hà Giang cấp ngày 31/5/2016 thuộc loại đất trồng cây hằng năm.

Tòa nhà có tên là Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê khiến cộng đồng bức xúc. (Ảnh: Facebook Mã Pì Lèng Panorama).
Tòa nhà có tên là Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê khiến cộng đồng bức xúc. (Ảnh: Facebook Mã Pì Lèng Panorama).

Ông Ma Quốc Trưởng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thừa nhận, công trình này của bà V.T.A chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; dự án đầu tư chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; công trình chưa được cấp phép xây dựng. Đồng nghĩa với việc xây dựng công trình trên tại đỉnh Mã Pì Lèng là trái phép.

Báo Tuổi Trẻ cho hay: Theo báo cáo của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang ngày 11-7, công trình này có tên trên hồ sơ là Điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản Mã Pì Lèng.

Tới thời điểm tháng 7-2019, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất (vẫn đang là đất trồng trọt); dự án đầu tư chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư; công trình chưa được cấp phép xây dựng; công trình chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Dẫn lời ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Đây là dự án đầu tư đầu tiên của tư nhân trên đèo Mã Pì Lèng sau nhiều nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện những năm qua. Chủ của công trình này là một hộ gia đình ở TP Hà Giang.

Vị trí của khách sạn Panorama tại đèo Mã Pí Lèng hiển thị trên bản đồ. (Ảnh: Google maps).
Vị trí của khách sạn Panorama tại đèo Mã Pí Lèng hiển thị trên bản đồ. (Ảnh: Google maps).

Công trình đến nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng bởi công trình xây dựng trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Huyện Mèo Vạc đã có kế hoạch xin điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của đất này để cấp giấy phép xây dựng cho dự án theo đúng quy định.

Ông Cường cho biết đề nghị điều chỉnh quy hoạch được các lãnh đạo tỉnh ủng hộ bởi tỉnh ủng hộ huyện kêu gọi thu hút đầu tư. "Công trình này cho du khách có điểm ngắm hẻm vực sông Nho Quế. Huyện từ lâu đã muốn đầu tư điểm dừng chân này nhưng không có kinh phí nên khi tư nhân muốn làm, chúng tôi rất chào đón, không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ", Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc nói.

Về chuyện xâm phạm danh thắng quốc gia đèo Mã Pì Lèng và công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, ông Cường khẳng định công trình nằm ở vùng đệm chứ không phải vùng lõi cấm xây dựng.

Mã Pì Lèng được coi như
Mã Pì Lèng được coi như "báu vật thiên nhiên" của Việt Nam. (Ảnh: FB).

Tuy nhiên, theo điều 36 Luật di sản văn hóa: Khi phê duyệt dự án đầu tư, cải tạo xây mới các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch. Và công trình này chưa có văn bản thỏa thuận đồng ý của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết cục đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Giang báo cáo sự việc.