Giá nước sạch Sông Đuống: Đã bán cổ phần 2.000 tỷ đồng, tại sao dân mua nước vẫn gánh lãi?

Thứ năm, 14/11/2019, 10:26 AM

Bàn về giá nước sạch Sông Đuống, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Câu chuyện lỗ lãi là câu chuyện của nhà máy. Bên cạnh đó, Nhà máy nước mặt sông Đuống đã chuyển 34% cổ phần cho người nước ngoài, đã thu được 2.000 tỷ đồng tại sao giá nước vẫn cao?

Giá nước Sông Đuống được Hà Nội mua cao bởi vốn đầu tư lớn?
Giá nước Sông Đuống được Hà Nội mua cao bởi vốn đầu tư lớn?

Kiểm toán cần vào cuộc vụ giá nước Sông Đuống

Trao đổi với bên hành lang Quốc hội xung quanh thông tin trong mức giá nước sạch 10.246 đồng/m3 tạm tính của Nhà máy nước mặt sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư, nhiều ĐBQH đã lên tiếng cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần vào cuộc làm rõ.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH) cho rằng, cung ứng nước sạch là một loại dịch vụ công, điều quan trọng phải là chất lượng, môi trường, giá thành hợp lý, nếu rẻ nhất thì càng tốt và không được để thất thoát.

“Còn việc nhà đầu tư muốn đầu tư thế nào, đầu tư bao nhiêu là việc của ông. Thế nên, cần gì phải bàn là phải trả lãi vay bao nhiêu. Nếu tăng giá thì anh phải có lý giải thuyết phục và giá đó không thể đứng trên mặt bằng chung. Còn nói tăng giá nước do có hơn 2.000 đồng để trả lãi vay thì rất khó chấp nhận”, ông Sinh nhận định.

Ủy viên thường trực UB Kinh tế cho rằng, trong mặt bằng chung hiện nay mà giá nước sạch hơn 10.000 đồng/m3 là cao, khi giá nước sạch tại Hà Nội chỉ khoảng 7.000 đồng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Đỗ Văn Sinh:
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH Đỗ Văn Sinh: "Nên mời Thanh tra, Kiểm toán làm rõ giá nước sạch cho tường minh". (Ảnh: VNN).

Ông cho rằng, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đấu thầu, đấu giá cuối cùng của sản phẩm đầu ra một cách công bằng, minh bạch nhất.

“Câu chuyện hiện nay là chúng ta mong muốn tất cả các lĩnh vực đều phải minh bạch, phải có sự đồng tình và giám sát của người dân. Vì dân phải trả tiền cho các dịch vụ đó thì phải cung cấp thông tin, đặc biệt là các danh mục đầu tư công hoặc các dịch vụ công mà Nhà nước xã hội hóa thì phải minh bạch”, ông Sinh nói.

Ông cũng cảnh báo, giá nước sạch không minh bạch sẽ dễ xảy ra một số trong tình trạng như BOT. Vừa qua cũng đã xuất hiện một vài tình trạng không minh bạch dẫn đến người dân không tin tưởng, phải giải thích rất mất thời gian. “Tôi nghĩ nếu minh bạch ngay từ đầu thì người dân sẵn sàng chấp nhận”, ông Sinh lưu ý.

Trước thông tin nghi vấn về sự cạnh tranh không lành mạnh trong câu chuyện tăng giá nước sông Đuống, ĐB Sinh nêu ý kiến: “Để cho minh bạch mọi việc, làm rõ có việc có thiên vị hay cạnh tranh không lành mạnh không, tốt nhất nên mời các cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc kiểm toán cho tường minh và thông tin cho người dân để tạo sự đồng thuận”.

Chức năng quản lý nhà nước ở đâu khi cùng Hà Nội nhưng dân chịu giá nước khác nhau?

Trên VTC NEWS, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Giá nước đắt hay rẻ thì cần đặt trên một mặt bằng. Không thể cùng một người Hà Nội nhưng ở phía Đông thì hưởng một giá, phía Tây lại hưởng một giá. Nhà máy này bán giá này, nhà máy kia bán giá khác.

Như vậy thì quản lý của Nhà nước về giá như thế nào để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng? Đây là vấn đề người ta phải đặt ra. 

Theo ông Nhưỡng, câu chuyện lỗ lãi là câu chuyện của nhà máy. Còn ở đây là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng.

"Anh bắt người tiêu dùng trả lỗ cho anh hay sao? Nếu như thế thì tốt nhất không nên vận hành nữa", vị đại biểu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, theo ông Nhưỡng, Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã chuyển 34% cổ phần cho người nước ngoài. Vậy ở đây đã thu được 2.000 tỷ đồng.

Bà Jareeporn Jarukornsakul - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA, đơn vị được cho là đã mua 34% cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống.
Bà Jareeporn Jarukornsakul - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn WHA, đơn vị được cho là đã mua 34% cổ phần Nhà máy nước mặt Sông Đuống. (Ảnh: IT).

"Vấn đề đặt ra là giá đầu tư, tổng giá trị đầu tư vào nhà máy có thực sự đúng với thông tin hiện nay hay không, hay chỉ bằng nửa gói đã bán, đã bù đắp được. Tôi rất sợ các vấn đề mà người dân đặt ra không được trả lời đàng hoàng, đầy đủ sẽ dẫn đến người dân đặt vấn đề này với các cơ quan quản lý Nhà nước.

TP Hà Nội phải bảo đảm được người dân Hà Nội không thể bị bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào lôi họ vào vòng luẩn quẩn và phải chịu sức ép từ một đơn vị.

Đề cập đến vấn đề nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được nghiệm thu đã đưa vào vận hành khai thác, ông Nhưỡng cho rằng: Về nguyên tắc, dự án nước Sông Đuống phải được kiểm định đầy đủ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào để vận hành sử dụng và cung cấp nước sạch cho người dân.

Tại sao Hà Nội mua giá nước Sông Đuống với giá "trên trời"?

Bàn về giá nước Sông Đuống, PGS.TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Về nguyên tắc tài chính không thể nói xây nhà máy to, nhiều tiền nên giá đắt được. Lý do đó không thuyết phục!

"Không phải dự án cứ quy mô càng lớn, chi phí càng cao thì lấy giá đắt hơn. Bao giờ người ta cũng tính toán dựa vào suất đầu tư, hiệu quả đầu tư. Đầu tư bất kỳ vào đâu dù nhiều hay ít vốn thì cũng phải tính hiệu quả, hiệu suất. Thông thường dự án to, quy mô lớn, hiện đại, giá thành chi phí sẽ phải tốt hơn. Còn dự án nhiều khi nhỏ, lạc hậu thì giá thành có thể sẽ cao nếu không tính toán", ông Long nhấn mạnh.

Ông Ngô Trí Long cho biết thêm, cũng như điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với người dân, lãi ngành nước hiện rất cao. Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thắc mắc: Tại sao UBND TP Hà Nội lại chọn mua nước sạch Sông Đuống với giá "cắt cổ" như vậy? Mua giá như vậy thì sẽ phải bán với giá rất cao, chứ không thể bù lỗ mãi được?

Chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh: "Cần nhớ rằng người dân là chủ thể phải trả tiền nước, ngân sách bù lỗ. Vậy điều gì đứng đằng sau sự việc này?".

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/gia-nuoc-sach-song-duong-da-ban-co-phan-2-000-ty-dong-tai-sao-dan-mua-nuoc-van-ganh-lai-141746.html