Sử dụng ARV giúp người nhiễm HIV không lây bệnh cho bạn tình qua đường tình dục

Thứ tư, 23/10/2019, 11:35 AM

Việc sử dụng thuốc ARV thường xuyên theo định kỳ của bác sĩ sẽ khiến cho tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện tương đương với việc không lây truyền.

da-den-luc-nguoi-nhiem-hiv-khong-lay-benh-cho-ban-tinh-qua-duong-tinh-duc
Sử dụng thuốc ARV hàng ngày sẽ giúp người nhiễm HIV đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện. (Ảnh Chí Hiếu)

Các nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra bằng chứng: “Một người uống thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”.

Nghiên cứu được xem là những bước tiến đầy khởi sắc cho những người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV giúp họ có thể tự tin hoà nhập với cộng đồng. Đây là một trong những điểm nổi bật được chia sẻ trong cuộc khởi động Chiến dịch quốc gia “Không phát hiện=Không lây truyền” do Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức.

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, Việt Nam đã trải qua gần 30 năm chiến đấu với HIV/AIDS. Những năm gần đây, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp mới, toàn diện, có hiệu quả để phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, điều trị ARV theo ngày, dùng bao cao su, điều trị tiền phơi nhiễm (PrEP) …

Vì vậy, đến nay Việt Nam đã giảm được 2/3 số trường hợp nhiễm mới và tử vong hàng năm do nhiễm HIV/AIDS so với 10 năm trước đây, cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, mục tiêu của chiến dịch truyền thông K=K nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV, người cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về nội dung và ý nghĩa của thông điệp: Không phát hiện=Không lây truyền. Từ đó làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.

da-den-luc-nguoi-nhiem-hiv-khong-lay-benh-cho-ban-tinh-qua-duong-tinh-duc
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

“Chúng ta có thể đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền) và kiểm soát được dịch với K=K”- PGS.TS Nguyễn Hoàng Long cho biết

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này được gọi là “Không phát hiện=Không lây truyền”.

Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV. Người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tài lượng HIV định kỳ. Đồng thời, điều này cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Những phát hiện có tính đột phá từ K=K đã thúc đẩy những hoạt động tại Việt Nam nhằm vận động tăng cường tiếp cận các dịch vụ HIV và giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới và các nhóm quần thể đích khác bị ảnh hưởng bởi HIV tại Việt Nam.

“K bằng K có nghĩa là sự kỳ thị HIV cần được xóa bỏ và không còn rào cản nào đối với bất kỳ ai để biết được về tình trạng HIV của họ. K bằng K có nghĩa là chúng ta nên khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng vi-rút cho những người có HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay còn gọi là PrEP với mục đích dự phòng cho những người âm tính với HIV. Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV" Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland tuyên bố trong bài phát biểu.