Dán hình cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái diễu hành trên phố là vi phạm pháp luật?

Chủ nhật, 21/04/2019, 18:40 PM

Luật sư cho biết, việc cộng đồng lên án hành động của cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy là cần thiết nhưng việc dán hình ông này ở nơi công cộng, lên ô tô diễu phố là vi phạm pháp luật.

 cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng
Hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh - cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư được in dán lên ô tô diễu phố.

Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh - cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy xảy ra ở chung cư Galaxy 9 nằm trên đường Nguyễn Khoái (phường 1, quận 4, TP HCM). 

Mấy ngày nay trên mạng xã hội lan truyền thông tin và hình ảnh cho thấy, một số người vì quá bức xúc với hành vi sàm sỡ bé gái của cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng nên đã tự ý in hình ông này cùng dòng chữ "Thành phố đáng sống phải nhốt sạch ấu dâm” để dán ở nơi công cộng.

Đáng chú ý, nhiều hình ảnh còn ghi lại những chiếc ô tô có dán theo những tấm poster in hình ông Nguyễn Hữu Linh cùng thông điệp phản đối việc làm của ông này để "diễu phố".

Cùng với cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, hình ảnh của đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (kẻ sàm sỡ nữ sinh tại chung cư Golden Palm ở Thanh Xuân - Hà Nội,.sau đó bị phạt 200 nghìn đồng) cũng bị một số người, một số hàng quán in hình dán để cảnh báo và từ chối phục vụ.

Thế nhưng có ý kiến cho rằng, việc cộng đồng lên án hành động của cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy là cần thiết nhưng việc dán hình ông này ở nơi công cộng, lên ô tô diễu phố là vi phạm pháp luật.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: Hành vi sử dụng hình ảnh của Đỗ Mạnh Hùng hay hình ảnh của cựu Phó Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh như cộng đồng mạng chia sẻ là vi phạm pháp luật. 

Theo luật sư, kể cả có bản án kết tội những người này (kẻ sàm sỡ cô gái và kẻ sàm sỡ bé gái) đi chăng nữa thì cũng phải có được sự đồng ý của người bị kết án mới được đưa lên trên mạng hoặc cung cấp thông tin. Những người chế ảnh như vậy đã xâm phạm đến quyền cá nhân của các đối tượng.

Luật sư Bình cho rằng: Vệc sử dụng hình ảnh theo nguyên tắc nếu có thiệt hại xảy ra thì những cá nhân trên có quyền khởi kiện các tập thể, cá nhân sử người dụng hình ảnh của mình để yêu cầu bồi thường danh dự.

"Nếu người dân muốn đóng góp ý kiến cho hệ thống pháp luật thì phải yêu cầu Chính phủ sửa lại các Nghị định. Các luật sự cũng như báo chí cũng phải lên tiếng về điều này để có thể hoàn thiện hơn về chế tài trong tương lai.

Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 như sau:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.

Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản", luật sư Bình cho biết thêm.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 21/4, báo chí đưa tin Công an quận 4 (TP HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Nguyễn Hữu Linh về tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi", theo Điều 146 Bộ Luật hình sự và áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú. 

Điều 32, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, có 02 trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm:

- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.

- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.

 

Khởi tố gã đàn ông sàm sỡ bé gái trong hẻm tối ở Hà Nội

Công an quận Thanh Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với gã đàn ông sàm sỡ bé gái trong hẻm tối xảy ra tối 4/4.

 

Khởi tố Nguyễn Hữu Linh - Kẻ dâm ô bé gái trong thang máy

Ngày 21/4, Công an quận 4 (TP HCM) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 BLHS năm 2015.

 

Bắt quả tang nhóm thanh niên người ngoại quốc phê ma túy trong biệt thự ở Bà Rịa – Vũng Tàu

Kết quả kiểm tra tại cơ quan điều tra cho thấy, có 15/31 người dương tính với ma túy, trong đó có 7 người ngoại quốc.