Dầu thải bán được tiền, tại sao cất công đưa lên đầu nguồn nước sông Đà đổ bỏ?

Thứ năm, 17/10/2019, 19:25 PM

Dầu thải bán đi thu về giá trị kinh tế nhất định, vì thế nếu không có động cơ liệu rằng kẻ đổ trộm có cất công chở số lượng dầu thải lớn lên tận con suối đầu nguồn nước sạch sông Đà để đổ bỏ.

dau-thai-ban-duoc-tien-tai-sao-cat-cong-dua-len-dau-nguon-nuoc-song-da-do-bo
Vết tích dầu loang tại ven bờ suối Trâm, gần kênh dẫn nước vào nhà máy. Ảnh: báo Thanh Niên

Liên quan vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự.

Thực tế dầu thải dù đã qua sử dụng nhưng vẫn được thu mua, mang lại giá trị kinh tế nhất định. Vì thế nếu không có động cơ liệu rằng kẻ đổ trộm có cất công chở lượng dầu thải lớn lên tận con suối Bằng (Kỳ Sơn, Hòa Bình) để đổ bỏ?

Dầu thải được thu mua, vì sao lại đổ bỏ?

Gõ từ khóa “mua dầu thải” trên trang công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,33 giây đã cho ra 35,6 triệu kết quả tìm kiếm. Điều đó cho thấy nhu cầu mua dầu thải khá lớn.

Thực tế không ít doanh nghiệp đăng thông tin công khai về việc thu mua dầu thải. Giá thu mua không được niêm yết công khai nhưng đơn vị tính bằng can. Có nghĩa dầu sau khi được sử dụng thải ra nếu các đơn vị đóng can liên hệ với bên có nhu cầu sẽ được thu mua tận nơi.

Theo giới thiệu một doanh nghiệp chuyên thu mua dầu thải, sản phẩm này khi thu gom về nhà máy được phân loại thành: dầu thủy lực, dầu động cơ, dầu tuần hoàn, dầu truyền nhiệt… sau đó bơm vào 4 bồn chứa.

Tại khu vực dầu thải có hệ thống thu gom nhớt tràn và vật liệu hút dầu (giẻ lau, mùn cưa). Từ đây, nguyên liệu sẽ được chuyển qua các công đoạn xử lý tiếp theo theo đúng quy trình công nghệ tái chế nhớt thải bằng kỹ thuật HV-Distillation.

dau-thai-ban-duoc-tien-tai-sao-cat-cong-dua-len-dau-nguon-nuoc-song-da-do-bo
Hình ảnh quảng cáo thu mua dầu thải xuất hiện nhiều khi tìm kiểm trên Google.

Các loại dầu nhớt thải đã được phân loại và chứa trong các bồn chứa khác nhau sẽ được xử lý theo mẻ khác nhau (không trộn chung trong một mẻ xử lý) do chế độ nhiệt có thể điều chỉnh cho phù hợp.

Theo đơn vị này, hiện có một số gian thương mua nhớt thải về tự tái chế sơ xài để tạo ra nhớt không kém chất lượng hoặc là nhớt giả để đưa vào và bán ra thị trường làm hư hỏng xe cộ, máy móc của khách hàng. Vì một số người gian thương như vậy đã tạo ra định kiến về việc sử dụng dầu thải chỉ để dùng làm dầu, nhớt giả, tuy nhiên dầu thải có thể được tái chế thành những sản phẩm sử dụng rất là tốt với những quy trình nghiêm ngặt và với những máy móc hiện đại.

Từ dầu thải qua quá trình tái chế sẽ tạo ra được dầu gốc, dầu gốc được ứng dụng trong công nghiệp như dùng để bôi trơn hay chế tạo thuốc nổ hoặc là được sử dụng trong công nghiệp lưu hóa cao su.

Dầu gốc được sử dụng lại để làm dầu bôi trơn bằng cách thêm một vài phụ gia như phụ gia để tăng tính bôi trơn, phụ gia để tăng tính tẩy rửa, chống oxi hóa,…

Tuy chưa có thống kế số lượng dầu thải sau sử dụng mỗi ngày bao nhiêu nhưng nhu cầu thu mua, tài chế sử dụng là có. Nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này do đó dầu thải có giá trị kinh tế, việc đổ dầu thải ra môi trường xảy ra đầu nguồn nước sạch sông Đà đặt ra nghi vấn hành vi phá hoại.

Ai cất công chở dầu thải lên đầu nguồn nước để đổ?

Như phân tích trên, dầu thải được thu mua mang lại giá trị kinh tế cũng là cách bảo vệ môi trường. Bởi với dầu thải đổ ra nguồn nước, đổ ra đất nguy hại rất lớn đến nguồn nước ngầm và môi trường xung quanh.

Thông thường dầu thải sẽ được thu gom vào các thùng phuy bằng nhựa hoặc bằng sắt, việc vận chuyển không dễ dàng, tốn chi phí lớn. Vậy vì sao kẻ xấu lại cất công chở dầu thải lên tận suối Bằng – Khu vực nước đầu vào nhà máy nước sạch sông Đà để đổ.

Theo thông tin từ Công ty nước sạch sông Đà, khi phát hiện có váng dầu tại suối Bằng, đơn vị này kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phức Tiến - Phú Minh có đổ thải dầu, dầu chảy tràn xuống suối Trậm từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m.

dau-thai-ban-duoc-tien-tai-sao-cat-cong-dua-len-dau-nguon-nuoc-song-da-do-bo
Điểm đổ dầu thải khiến dòng nước đen kịt.

Do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh.

Dường như có sự tính toán rất kỹ, kẻ xấu không đổ dầu trực tiếp xuống suối mà đổ bên đường liên xã, để dầu thải từ từ chảy xuống khu vực suối theo nước mưa, hoặc ngấm vào lòng đất. Từ đó tác động lâu dài đến nguồn nước.

Nếu chỉ để đổ bỏ lượng dầu thải này người ta hoàn toàn có thể đổ trộm ra một khu đất dự án treo, một bãi rác tự phát nào đó thay vì thuê phương tiện vận chuyển lên tận Kỳ Sơn, Hòa Bình, chọn đúng khu vực đầu nguồn nước sạch sông Đà để “phi tang”.

dau-thai-ban-duoc-tien-tai-sao-cat-cong-dua-len-dau-nguon-nuoc-song-da-do-bo
Lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không xin lỗi và nói rằng: "Chúng tôi là đơn vị thiệt hại nhất".

Nước sông Đà ô nhiễm, truyền thông bỗng nhắc đến một cái tên

Những ngày này, người dân tại một số quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai và các khu vực khác tại Hà Nội sử dụng nước sạch sông Đà đang trong tình trạng thiếu nước, hoang mang lo lắng thì đâu đó truyền thông nhắc đến nhà máy nước sạch sông Đuống.

Theo tìm hiểu, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 65ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

dau-thai-ban-duoc-tien-tai-sao-cat-cong-dua-len-dau-nguon-nuoc-song-da-do-bo
Một góc nhà máy nước mặt sông Đuống.

Với công suất này, nhà máy đảm bảo cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

Nhà máy Nước mặt Sông Đuống của Shark Liên (doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên) hiện cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam TP bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

Trong bối cảnh nhà máy nước sạch sông Đà khiến người dân lo lắng, rõ ràng đơn vị kinh doanh khác có cơ hội chiếm lĩnh thị trường.