Đầu tư 2 dự án đường sắt 106.000 tỷ đồng: Tránh lặp lại sai lầm cũ

Chủ nhật, 26/04/2020, 11:08 AM

Việc Hà Nội sắp làm thêm 2 tuyến đường sắt đô thị mới với vốn đầu tư 106.000 tỷ đồng được lưu ý tránh lặp lại những sai lầm đội vốn, chậm tiến độ như tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn khủng.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn khủng.

Thông tin Hà Nội dự định đầu tư hơn 106.000 tỷ đồng làm 2 tuyến đường sắt đô thị mới, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi Hà Nội triển khai tiếp 2 dự án đường sắt này bởi những bài học về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Dự án Nhổn - Ga Hà Nội hay như Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vẫn còn đó.

Đó là những tồn tại về việc đội vốn, chậm tiến độ kéo dài, bởi thế khi thông tin Hà Nội dự định tiếp tục rót hơn 106.000 tỷ đồng để làm 2 tuyến đường sắt đô thị mới khiến nhiều người lo lắng.

Nêu ý kiến nhận định về việc TP Hà Nội làm 2 dự án đường sắt trên, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho hay: 2 dự án đường sắt này của Hà Nội đã có kế hoạch và nằm trong quy hoạch chung đã được phê duyệt từ lâu, khi các dự án hoàn thành sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các vùng ven và nội đô, đây là ý tưởng tốt, chúng ta cần ủng hộ nhưng việc xây dựng.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng, việc xây dựng cân đối vốn ra sao để đạt hiệu quả thì cần phải xem xét kỹ lưỡng, tránh lặp lại tình trạng như tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng điều chỉnh tiến độ nhiều năm.

Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội cũng điều chỉnh tiến độ nhiều năm.

Cùng nhìn nhận về việc này, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cho rằng:  Về tổng thể, xét về tầm nhìn, định hướng thì việc TP Hà Nội muốn xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là đúng.

Tuy nhiên, TP cần phải lưu ý và rút ra những bài học từ các dự án kém hiệu quả như Xe buýt nhanh (BRT), đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án Nhổn - Ga Hà Nội...

Theo ông Thủy, hiện nay TP có nhiều dự án vẫn rất "mông lung" tính hiệu quả, tính thực tiễn không cao. "Vấn đề quan trọng để một dự án khả thi là việc chọn nhà thầu, phải xem xét kỹ lưỡng những nhà thầu có đủ năng lực.

Ngoài ra, để một dự án đường sắt có thể thành công thì vấn đề quy hoạch, lựa chọn công nghệ, phù hợp nguồn tài chính, điều hành quản lý… hết sức quan trọng và cần được lưu tâm, tránh tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng công trình giảm", chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 200%

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt. Trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.

Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu.

Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội

 Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tổng mức đầu tư dự án đã điều chỉnh một lần vào năm 2014 là 1.176 triệu euro, tương đương gần 33.000 tỉ đồng.

Cuối năm 2018, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu nguồn vốn vay ODA với dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội. Theo đó, tuyến đường sắt này được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022.

Bài liên quan