ĐBQH đề nghị chuyển Cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông vận tải

Thứ ba, 17/11/2020, 06:39 AM

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đưa ra đề nghị chuyển hết lực lượng Cảnh sát Giao thông về Bộ Giao thông Vận tải quản lý nếu tách Luật Giao thông đường bộ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: Quochoi.vn).

Buổi thảo luận về Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều 16/11, tại Quốc hội diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến được các Đại biểu Quốc hội đưa ra tranh luận. Đây cũng là nội dung đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận cử tri cả nước. 

Bên cạnh những ý kiến tán thành đề xuất tách Luật giao thông đường bộ hiện hành thành Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thì còn nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn, không tán đồng.

Nêu ý kiến tại nghị trường, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm không đồng tình. Ông Nhưỡng cho rằng việc tách luật này cũng giống như “tách mẹ ra khỏi con, lấy gan ghép thận”, chẻ đôi luật, chẻ đôi các loại thủ tục.

Theo ông Nhưỡng, nhiều nội dung đều tách ra từ một luật giao thông đường bộ mà đã được Quốc hội nghiên cứu, đã được thông qua trong nhiều năm và đang ổn định. Bây giờ không có cơ sở gì để phá vỡ luật mà Quốc hội đã thông qua từ 2008 đang thực hiện. Ngược lại chỉ được đánh giá một số vấn đề cần khắc phục.

''Tôi có lúc cũng nói đùa với mọi người là vợ con nhà mình mà đối xử với chồng, với bố không đàng hoàng thì chuyển sang nhà khác quản lý à?".

Vị ĐBQH Đoàn Bến Tre cũng cho biết một số cử tri cao tuổi cho rằng bản chất của Luật giao thông đường bộ là điều chỉnh các hành vi, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đấy là một thể thống nhất, nó chính là được sinh ra vì trật tự giao thông đường bộ.

Bây giờ, vì câu chuyện đấy lại tách ra, chúng ta làm như thế là trái với những nguyên lý căn bản về mặt pháp lý, một bộ phận không thể tách rời thì không thể tách ra được.

Một vấn đề nữa được ông Nhưỡng đề cập: ''Chúng ta là thời đại 4.0 rồi, sắp tới là 5.0, 6.0, bây giờ chúng ta sử dụng dữ liệu dùng chung, chúng ta có đầy đủ các yếu tố để một cơ quan có thể chủ trì, những cơ quan khác phối hợp mà vẫn làm tốt công việc của Chính phủ''.

Ông đề nghị Bộ Giao thông vận tải hết sức nghiêm túc trong quá trình cho ý kiến cũng như đánh giá về những vấn đề có liên quan đến giao thông vận tải. Đây là một trong những vấn đề mà Bộ Giao thông vận tải phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.

Mặt khác, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng còn đề nghị: "Chuyển Cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông vận tải thực hiện nhiệm vụ, giữ nguyên quyền lợi, chế độ cho anh em. Thậm chí tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông cho ngành giao thông, cùng với thanh tra giao thông để xử lý những vấn đề có liên quan đến vi phạm pháp luật".

''Tôi nghĩ như vậy còn hiệu quả hơn vấn đề tách 2 luật này và chúng ta làm xáo trộn những vấn đề về mặt pháp lý. Một số vấn đề tôi xin được góp ý vào dự luật này'', ông Nhưỡng nói.

Ai dám đảm bảo nếu chuyển Công an cấp bằng lái xe thì giảm tai nạn?

Nêu ý kiến về chuyển nhiệm vụ quản lý sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng:

Từ thực tiễn hoạt động của công tác quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe đang được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện tốt, thuận tiện, nhanh chóng, sử dụng công nghệ thông tin, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia từ năm 2019 liên thông trong toàn quốc đối với giấy phép lái xe, được nhân dân ủng hộ, quốc tế công nhận.

Chúng ta đã ký hiệp ước với 85 quốc gia, nếu thay đổi sẽ tốn kém kinh phí cho nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước đã ký kết, thay đổi giấy phép lái xe cho nhân dân trong khi đất nước đang khó khăn, Chính phủ phát động tiết kiệm để tạo nguồn lực xây dựng đất nước.

"Ai dám bảo đảm khẳng định và chịu trách nhiệm cá nhân khi chuyển nhiệm vụ sang Bộ Công an thì không có giấy phép lái xe giả, tai nạn giao thông giảm trong khi giấy tờ của ngành công an cấp cũng có trường hợp giả như hộ chiếu, chứng minh nhân dân...

Không nên hình sự hóa các vấn đề dân sự, cũng không nên tập trung quá quyền lực vào một số cơ quan đơn vị, vì như thế dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi.

Thực tế, thời gian qua có nhiều đối tượng giả danh cán bộ ngành này ngành khác để lừa đảo gây bức xúc trong xã hội hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để che giấu, thậm chí tham gia phạm tội làm thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ.

Sở dĩ tôi nói như vậy là vì từ trước tới giờ chưa thấy ai giải danh nông dân mà giả sử có đi nữa thì cũng chẳng lừa đảo được ai", ĐBQH Nguyễn Quốc Hận bày tỏ.

Bài liên quan