Đề xuất phá dỡ 6 tầng khách sạn Panorama Mã Pì Lèng trước ngày 15/11

Thứ năm, 10/10/2019, 06:32 AM

Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đề xuất phá dỡ 6 tầng của khách sạn Panorama Mã Pì Lèng, phần còn lại sẽ cải tạo làm điểm dừng chân, ngắm cảnh cho du khách.

Đề xuất phá dỡ 6 tầng của khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.
Đề xuất phá dỡ 6 tầng của khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Đề xuất phá dỡ 6 tầng khách sạn Panorama Mã Pì Lèng

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đã có báo cáo về kết quả kiểm tra đối với công trình xây dựng  khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang) và đề xuất phương án xử lý.

Báo cáo, Sở Xây dựng Hà Giang cho biết: Chủ đầu tư chỉ cung cấp một bộ bản vẽ thiết kế công trình chưa qua thẩm định. Hiện mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất trồng cây hằng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất).

Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng là 226 m2 với tổng diện tích sàn là 476 m2 + 78 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.

Khách sạn Panorama được xây dựng tại điểm dừng chân số 40 dốc Mã Pì Lèng, hiện đã đi vào hoạt động kinh doanh ăn uống, giải khát, dịch vụ giải trí.

Theo Sở Xây dựng, công trình có kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp các sàn bằng thép (dùng để ngắm cảnh). Công trình gồm bảy cấp xây bám theo địa hình. Mặt trước công trình gồm một tầng nổi và một tầng âm, 6 cấp còn lại được xây thấp dần dọc theo sườn núi (một cấp một tầng). Hiện công trình đã hoàn thiện năm cấp, phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và 7 đang được hoàn thiện.

Theo khẳng định của Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang thì cơ sở này nằm ngoài bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử danh thắng Mã Pì Lèng.

Công trình khách sạn Panorama Mã Pì Lèng thời điểm đang thi công.
Công trình khách sạn Panorama Mã Pì Lèng thời điểm đang thi công.

Nhưng đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, khách sạn Panorama nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng Hà Giang kiến nghị: Cho tiến hành cải tạo, chỉnh trang tầng nổi và tầng âm (giáp đường quốc lộ) để phục vụ cho việc dừng chân ngắm cảnh. Tháo dỡ 6 tầng còn lại, tiến hành cải tạo đất và trồng cây xanh trên phần diện tích đã phá dỡ. Các nội dung tháo dỡ yêu cầu hoàn thành trước ngày 15/11/2019.

Trách nhiệm chính quyền ra sao?

Trả lời báo chí, chủ nhân khách sạn Panorama là bà Vũ Thị Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang) không dưới một lần khẳng định việc xây dựng công trình đã nhận được sự động viên "bật đèn xanh" của các cấp chính quyền sở tại mặc dù các giấy tờ liên quan đến xây dựng không có.

Theo bà Ánh, cách đây 10 năm, bà mua mảnh đất này - ngày xưa là mỏm đá hoang, với giá 70 triệu đồng, "chỉ có đá, không trồng được ngô, ban đầu chỉ tính nuôi ong". 4 năm sau, bà chuyển đổi từ giấy tờ viết tay thành bìa đỏ, chính thức sở hữu đất.

"Năm 2018, chính quyền có gọi điện thông báo nếu như đất này không triển khai xây dựng "điểm dừng chân" sẽ bị thu hồi. Họ cho tôi 10 ngày để suy nghĩ. 8 ngày sau, tôi quyết định lên Mã Pì Lèng. Gia đình tôi khi đó không đồng ý vì nơi này hoang vu, nguy hiểm, không có nước. Nhưng nghĩ lại, nó gắn liền với kỷ niệm của bố và em trai, nên tôi quyết định xây dựng", bà Ánh trình bày.

Bà Ánh còn nói: "Tóm lại họ (chính quyền - PV) hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi đóng góp quá nhiều mà cho đến giờ phút này lại bị xem như một kẻ tội đồ. Lúc xây dựng xong, tất cả ban ngành đều đến kiểm tra độ an toàn.

Tôi không hề làm vụng trộm, nếu vụng trộm không thể xây dựng được như này"."Tóm lại họ (chính quyền - PV) hỗ trợ tôi rất nhiều. Tôi đóng góp quá nhiều mà cho đến giờ phút này lại bị xem như một kẻ tội đồ. Lúc xây dựng xong, tất cả ban ngành đều đến kiểm tra độ an toàn. Tôi không hề làm vụng trộm, nếu vụng trộm không thể xây dựng được như này".

Bà Vũ Thị Ánh chủ khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. (Ảnh: IT).
Bà Vũ Thị Ánh chủ khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. (Ảnh: IT).

Bà Ánh sau đó còn "dọa" nếu công trình bị phá dỡ sẽ cho nổ mìn và nhảy sông Nho Quế...

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia, luật sư nhận định rằng nếu đúng là chính quyền và các cơ quan chức năng "bật đèn xanh" cho bà Ánh xây dựng trái phép khách sạn Panorama trên đèo Mã Pì Lèng thì cần phải xử lý trách nhiệm cả chính quyền.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, ngoài việc được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia thì khu vực Mã Pì Lèng còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO trao danh hiệu vào năm 2016.

Chính vì vậy, nơi đây phải tuân thủ theo quy định của quốc tế để bảo vệ giá trị cảnh quan của cao nguyên đá mang tính toàn cầu. Nơi đây cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, khai thác giá trị.

Dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng chưa được cấp phép xây dựng, nó đồng nghĩa với việc đây là công trình xây trái phép. Công trình này sẽ phá vỡ cảnh quan, tổng thể phát triển du lịch và đặc biệt là không tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ..."

Hành vi vi phạm luật đất đai, vi phạm luật xây dựng (xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi) ngoài việc bị xử phạt hành chính còn bị buộc tháo dỡ công trình.

Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần xem xét xử lý nghiêm minh. Trong đó, lãnh đạo Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cũng phải chịu trách nhiệm”, luật sư Bình phân tích.

Cựu giám đốc BQL bị “vạ lây”?

Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng lan truyền thông tin cho rằng chủ thực sự của công trình khách sạn Panorama Mã Pì Lèng là ông Nguyễn Lê Huy - nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.

Trả lời báo chí, ông Lê Huy sau đó phủ nhận các thông tin nói trên.