Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, Việt Nam phải nhập thịt heo gấp 6,7 lần

Thứ năm, 13/06/2019, 19:34 PM

Dịch tả lợn châu Phi là một nguyên nhân khiến lượng heo nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao. Ngoài ra, so sánh giá thịt heo một số nước đang thấp hơn trong nước nên doanh nghiệp ưu tiên nhập khẩu.

dich-ta-chau-phi-hoanh-hanh-viet-nam-phai-nhap-thit-heo-gap-67-lan
Dịch tả heo châu Phi là một nguyên nhân khiến lượng heo nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao. Ngoài ra so sánh giá thịt heo một số nước đang thấp hơn trong nước nên doanh nghiệp ưu tiên nhập khẩu. Ảnh minh họa

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho thấy, 4 tháng đầu năm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo đạt 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng đột biến sau khi Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Hiện trên thị trường, nhiều sản phẩm thịt heo từ Mỹ, Ba Lan Tây Ban Nha, Đức, Hungary, Canada và các thị trường khác có giá khá hấp dẫn, thậm chí thấp hơn hàng Việt. Mức giá dao động cho các sản phẩm này chỉ 80.000 -120.000 đồng một kg. Điển hình như sườn heo Canada giá chỉ 90.000 đồng một kg, thấp hơn hàng Việt 40.000 đồng; tim heo, nạc dăm heo Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với hàng Việt.

Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu heo từ Việt Nam. Ngay cả hoạt động xuất nhập cảnh, nhiều thị trường như Đài Loan, Mỹ, Nhật, Australia đưa ra nhiều hình thức xử phạt và có thể buộc tù cá nhân nhập cảnh mang thịt heo hoặc thực phẩm có chứa thịt heo từ Việt Nam qua các nước này.

Hiện, giá heo hơi Việt lên xuống thất thường, nhà chức trách đang đề nghị các doanh nghiệp thực phẩm áp dụng biện pháp trữ đông. Do đó, lượng heo xuất khẩu dự báo sẽ quay đầu đi xuống.

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 3/6, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 52 tỉnh, thành. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 2,2 triệu con với trọng lượng gần 130.000 tấn; thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ lợn tiêu hủy, mua hóa chất sát trùng...

Tại cuộc họp với đại diện 35 tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để thống nhất cách thức và mức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp một cách hợp lý, chính xác khi lợn bị bệnh DTLCP, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đưa ra hai phương án hỗ trợ.

Phương án 1 (đang thực hiện theo Nghị quyết 16) hỗ trợ phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực đang khai thác các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân. Bên cạnh đó, ông Dương cũng nêu đề xuất phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tối thiểu bằng 30% giá thị trường.

Phương án 2 hỗ trợ theo nhóm lợn phân ra 5 nhóm lợn: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ là 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30-80kg) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên 2,5 đồng/con; lợn nái đang khai thác 3,5-4 triệu đồng/con.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, với cách tính bằng cân “là công bằng, chính xác nhất”. Song, với số lượng lợn ít thì dễ thực hiện, còn khi trang trại có 1.000 con phải tiêu hủy, ai đi cân hết được 1.000 con lợn trong điều kiện nắng mưa, nhọc nhằn?

Trong khi đó, cách hỗ trợ theo nhóm lợn (phương án 2) đang được Đồng Nai và một số tỉnh đang áp dụng. Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đang áp dụng theo phương án này.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya vào năm 1921, từ đó đến nay bệnh đã xuất hiện tại nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 1996 - 2019, bệnh đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia và đến nay, chưa có quốc gia nào được OIE công nhận an toàn đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện ngày 1/2 tại Hưng Yên.

 

Bộ Tài chính: Quỹ bình ổn xăng dầu âm hơn 620 tỷ đồng

Bộ Tài chính vừa thông tin về tình hình trích lập, sử dụng, số dư Quỹ bình ổn giá trong quý I/2019. Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm hơn 620 tỷ đồng.

 

'Bão giảm giá' để cạnh tranh xe nhập khẩu

Việc ô tô nhập khẩu về Việt Nam có sức mua tăng vọt, gây sức ép cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Vì thế chỉ có giảm giá mới có thể cạnh tranh xe nhập khẩu.

 

Giá heo hơi hôm nay 13/6: Đà tăng chưa dừng lại

Giá heo hơi hôm nay 13/6, dù thêm một số địa phương phát hiện các ổ dịch tả heo châu Phi mới, nhưng nhìn chung, giá heo hơi tăng trở lại những phiên gần đây.