Điểm qua những lễ hội hấp dẫn dịp Tết ở Cố đô Huế

Chủ nhật, 03/02/2019, 20:11 PM

Trong dịp Tết Nguyên đán, người dân và du khách khi đến Huế sẽ có rất nhiều lễ hội để vui chơi, tham quan và hòa mình vào không khí sôi nổi trong những ngày Tết đầu xuân.

diem-qua-nhung-le-hoi-hap-dan-dip-tet-o-co-do-hue
Hấp dẫn lễ hội Đu tiên xã Điền Hòa.

Lễ hội Đu tiên

Sẽ thật thiếu sót nếu không kể đến lễ hội đu tiên trong những ngày Tết Nguyên đán. Tại Huế, có lễ hội Đu tiên xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) và Đu tiên Gia Viên (huyện Phong Điền).

Hằng năm, cứ đến ngày mồng 2 Tết, người dân Điền Hòa cũng như người dân trong tỉnh lại nô nức đến xem hội đu tiên xã Điền Hòa.

Cây đu được làm từ những cây tre già, cao và được buộc chắc chắn. Người chơi được trang bị dụng cụ bảo hộ nhằm đảm bảo an toàn khi đu trên cao.

Trong trang phục áo dài, những người chơi bay vút cao trên không trung cùng những điệu nhún trông rất đẹp mắt.

Trong khi đó, đu tiên Gia Viên sẽ diễn ra vào ngày mồng 4 Tết thu hút nhiều người đến xem.

diem-qua-nhung-le-hoi-hap-dan-dip-tet-o-co-do-hue
Thả diều nghệ thuật ở Huế.

Thả diều nghệ thuật

Cứ đến Tết, những cánh diều đầy màu sắc tung bay trên bầu trời Cố đô Huế. Năm nay, hoạt động thả diều nghệ thuật diễn ra vào ngày mồng 2 - 3 Tết tại công viên Phu Văn Lâu.

Lễ hội mang lại sự giải trí lành mạnh cho người dân và cũng là ngày khai trương “nghệ thuật trên trời” của những người đam mê diều trong năm mới. 

Tô điểm cho nền xanh của trời Huế sẽ là những cánh diều truyền thống như: công, phụng, bướm...

diem-qua-nhung-le-hoi-hap-dan-dip-tet-o-co-do-hue
Vật làng Sình thu hút rất đông người dân và du khách đến xem.

Lễ hội đấu vật

Nói về lễ hội này phải nói đến Vật Thủ Lễ (ở huyện Quảng Điền) và vật làng Sình (ở huyện Phú Vang).

Vật Thủ Lễ sẽ diễn ra vào ngày mồng 6 tháng Giêng. Cứ đến ngày này, hàng ngàn người dân Huế đổ về đình làng Thủ Lễ để tham gia lễ hội đấu vật.

Hội vật của cư dân vùng Sịa nói chung và làng Thủ Lễ nói riêng được hình thành, phát triển mạnh từ thời các chúa Nguyễn nhằm tuyển chọn những binh sỹ có sức khỏe tốt tham gia vào quân đội của triều đình.

Tại đây, hàng chục đô vật sẽ lên đài tranh tài, vật cho đối thủ “lấm lưng trắng bụng”. Các đô vật ăn thua từng miếng võ, đấu loại trực tiếp.

Còn vật làng Sình sẽ diễn ra vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Cứ đến ngày này, du khách thập phương đã đổ về làng Sình để xem lễ hội vật truyền thống.

Lễ hội thu hút hàng chục đô vật là các thanh thiếu niên ở các vùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia thi đấu.

Theo tìm hiểu, trước đây, làng Sình là nơi xây dựng những trại đóng tàu thuyền, thường huấn luyện thủy quân, bộ binh tinh nhuệ để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn tổ quốc và đã chọn lọc những môn vật võ từ mọi miền đất nước để làm nét riêng cho mình nên trở thành ngày hội vật truyền thống.

diem-qua-nhung-le-hoi-hap-dan-dip-tet-o-co-do-hue
Hạ nêu kết thúc ngày Tết.

Lễ hạ nêu

Vào ngày mồng 7 Tết, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ hạ nêu và Khai ấn Cung chúc Tân Xuân.

Lễ hạ nêu được tiến hành với các lễ cúng nêu, cử đại nhạc, tiểu nhạc, chuông trống và hạ cây nêu.

Mở đầu lễ, binh lính đưa gốc nêu ra khỏi mặt đất và hạ xuống. Cùng lúc đó, các ấn vàng và lễ phẩm treo ở ngọn nêu được lấy xuống để khai ấn cung chúc Tân xuân cho du khách thập phương.

Ngọc ấn được lấy ra đóng vào các tờ giấy có ghi các chữ mang ý nghĩa may mắn như Phúc, Lộc, Đạt… và tặng cho du khách với mong muốn nhiều điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với mọi người trong năm mới.

diem-qua-nhung-le-hoi-hap-dan-dip-tet-o-co-do-hue
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của Công chúa Huyền Trân.

Lễ hội Huyền Trân

Lễ hội Huyền Trân sẽ diễn ra vào ngày mồng 8 – 9 Tết tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nhằm tưởng nhớ công lao của Công chúa Huyền Trân (1287 - 1340) - ái nữ độc nhất của vua Trần Nhân Tông.

Công chúa Huyền Trân đã vâng mệnh vua cha đi làm dâu xứ Chiêm Thành để lấy về vùng đất Châu Ô - Lý (nay là vùng đất nam Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Huyền Trân là một trong ba vị công chúa trong lịch sử Việt Nam có công mở mang bờ cõi.

Tại buổi lễ, sau khi các nghi lễ được tiến hành là chương trình nghệ thuật sử thi đặc sắc nói về Công chúa Huyền Trân.

Trong khuôn khổ của lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như trưng bày triển lãm, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ ở Huế, tổ chức các trò chơi dân gian như hát bài chòi, đấu vật...

Ngoài ra, còn nhiều lễ hội khác cũng sẽ thu hút đông đảo du khách thập phương đến xem như giải đua ghe thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền; Chợ Phiên Quảng Ngạn…

 

Địa điểm bắn pháo hoa giao thừa Tết Nguyên đán 2019 tại Hà Tĩnh

Năm nay, có 3 địa điểm bắn pháo hoa giao thừa Tết Nguyên đán 2019 tại Hà Tĩnh. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều chương trình lễ hội chào đón năm mới khác.

 

Ngày 29 Tết: 17 người chết vì tai nạn giao thông

Trong ngày 29 Tết, cả nước xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông làm chết 17 người, bị thương 37 người.

 

Người nông dân ra đồng thu hoạch cúc tiến vua kiếm tiền tỷ trước dịp nghỉ Tết

Vào thời điểm cuối năm, người nông dân xã Nghĩa Trai (tỉnh Hưng Yên) vẫn ra đồng thu hoạch cúc chi một loại hoa quý mang lại thu nhập lớn trong những ngày cận Tết.

 

Xem phim gì ngoài rạp dịp Tết Nguyên đán và tháng 2?

“Tân Vua hài kịch”, “Bí kíp luyện rồng 3”, “Alita: Nữ thần chiến binh”, “Hai Phượng” là những bộ phim đáng chú ý sắp sửa đổ bộ tới rạp chiếu phim.

 

Trên chuyến tàu ngày 29 Tết

Sau những tháng ngày làm việc xa nhà, người dân đang hối hả ra ga cho kịp chuyến, về quê đoàn viên cùng gia đình.