Doanh nghiệp Trung Quốc tận diệt những cánh rừng Nga: Sự phàm ăn của kẻ đói?

Thứ hai, 05/08/2019, 16:17 PM

Mỗi lưỡi cưa người Trung Quốc giơ lên không đồng nghĩa với một mầm non xanh được hạ xuống. Trung Quốc đang tận diệt những khu rừng trải dài dọc biên giới với Nga: vùng Viễn Đông.

doanh-nghiep-trung-quoc-tan-diet-nhung-canh-rung-nga-su-pham-an-cua-ke-doi
Wang Yiren, một quản đốc xưởng gỗ Trung Quốc ở Nga đang giám sát việc sắp xếp gỗ để chuyển về trong nước. Ảnh: NYT. 

Không thể phủ nhận, sự đầu tư khai thác của người Trung Quốc ở những cánh rừng Siberia đang đem lại những lợi ích nhất định cho người Nga nơi đây. Nhưng cách họ đối xử với môi trường và những cánh rừng khiến người dân đã phải thốt lên: “Sẽ không còn gì cả” nếu người Trung Quốc rời đi.

Cơn khát gỗ của Trung Quốc

Từ dãy núi Altai đến bờ biển Thái Bình Dương, việc khai thác gỗ đang tàn phá những khu rừng rộng lớn của Nga, để lại những vệt đất đầy vết sẹo với những gốc cây héo mòn.

Với nhiều người Nga, thủ phạm khá rõ ràng: Trung Quốc.

Quốc gia láng giềng này đã mở rộng lệnh cấm khai thác rừng tự nhiên để lấy gỗ thương mại vào cuối năm 2016, và chỉ cho phép khai thác ở các khu rừng tái sinh – một chính sách được các nhà môi trường tán dương và vận động các nước khác học theo.

Thực tế, nhu cầu gỗ của Trung Quốc không hề suy giảm sau những chính sách bảo vệ môi trường này. Thế nhưng, họ chuyển hướng từ việc khai thác rừng trong nước sang mua quyền khai thác rừng tại các quốc gia khác trên thế giới, trong đó, đáng chú ý nhất là Nga.

doanh-nghiep-trung-quoc-tan-diet-nhung-canh-rung-nga-su-pham-an-cua-ke-doi
Những công nhân Trung Á làm việc tại một xưởng sơ chế gỗ của người Trung Quốc ở thành phố Kansk, Nga. Ảnh: NYT

Trong một bài viết được xuất bản hồi tháng 4/2019, tờ New York Times đã sử dụng từ “phàm ăn” để mô tả cơn khát gỗ của Trung Quốc tại các cánh rừng ven biên giới hai nước ở Siberia. Tờ báo này viết: “Kể từ khi Trung Quốc hạn chết khai thác gỗ thương mại tại các khu rừng tự nhiên của mình, họ bắt đầu chuyển sang Nga, nhập khẩu một lượng gỗ khổng lồ trong năm 2017 để đáp ứng ‘sự phàm ăn’ của các công ty xây dựng và sản xuất đồ nội thất”.

Tất nhiên, không chỉ có nước Nga. Trung Quốc cũng đang nhập khẩu gỗ thông qua hình thức nhượng quyền khai thác ở các quốc gia nghèo trên thế giới - từ Peru đến Papua New Guinea, Mozambique đến Myanmar.

Tại quần đảo Solomon, tốc độ khai thác gỗ của các công ty Trung Quốc có thể làm cạn kiệt những khu rừng nguyên sinh của nước này vào năm 2036, theo Global Witness - một nhóm nghiên cứu về môi trường cho biết. 

Ở Indonesia, các nhà hoạt động môi trường lại cảnh báo rằng việc khai thác gỗ bất hợp pháp có mối liên hệ với Trung Quốc đang đe dọa một trong những thành trì cuối cùng của loài đười ươi trên đảo Borneo.

Tờ New York Times cũng đưa ra nhận định dựa trên kết luật của các nhà môi trường, cho rằng Trung Quốc chỉ đơn giản là chuyển tác hại của việc khai thác gỗ không kiểm soát từ trong nước ra nước ngoài, ngay cả khi nó mang lại những lợi ích kinh tế cho các quốc gia sở tại. Một số cảnh báo đưa ra nhận định, quy mô khai thác gỗ ngày nay có thể làm cạn kiệt những khu rừng hoang sơ, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.

Sự chuyển đổi kinh tế tuyệt vời của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua đã thúc đẩy nhu cầu ngày càng cao với ngành chế biến gỗ. Quốc gia này hiện là nhà nhập khẩu gỗ lớn nhất thế giới, Mỹ đứng thứ hai. Trung Quốc cũng là nhà xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ gỗ ra lớn nhất thế giới. Tổng giá trị nhập khẩu gỗ của Trung Quốc – bao gồm gỗ thô hoặc bột gỗ - đã tăng gấp 10 lần kể từ khi Trung Quốc bắt đầu hạn chế khai thác kể từ năm 1998. Vào năm 2017, kim ngạch nhập khẩu gỗ đạt 23 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay theo Atlas thương mại toàn cầu (Global Trade Atlas) của trung tâm nghiên cứu IHS Markit.

Những cánh rừng ở Siberia

doanh-nghiep-trung-quoc-tan-diet-nhung-canh-rung-nga-su-pham-an-cua-ke-doi
Một bãi chứa mụn cưa bị cháy ở Kansk, Nga. Ảnh: NYT

Suốt những ngày hè dài ở Siberia, các xe tải chở gỗ liên tục nối nhau ra vào khu rừng bạt ngàn thông và bạch dương, bao quanh những nhà máy gỗ do người Trung Quốc vận hành. "Mọi thứ ở đây đều của người Trung Quốc", quản đốc xưởng gỗ Wang Yiren cho biết, tay chỉ vào một vài trong hàng trăm nhà máy gỗ mọc lên dọc tuyến đường sắt xuyên Siberia những năm qua.

Giá trị xuất khẩu gỗ từ Nga sang Trung Quốc đã tăng lên 3,5 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức 2,2 tỷ USD năm 2013. Vào năm 2017, Trung Quốc đã nhập gần 200 triệu m3 gỗ từ Nga. Theo báo cáo của Vita Spivak, một học giả về Trung Quốc đang làm việc cho Trung tâm Carnegie Moscow, hiện có hơn 500 công ty khai thác gỗ đang hoạt động tại Nga. Trước đây, Nga gần như không giao rừng cho Trung Quốc.  còn hiện tại, giá trị nhập khẩu gỗ từ Nga chiếm hơn 20% tổng kim ngạch ngành này.

Khi được một kênh truyền hình phỏng vấn về việc một công ty Trung Quốc đạt được thỏa thuận khai thác gỗ 49 năm trong vùng, Marina Volobuyeva, một cư dân của vùng Zamensky phía nam của hồ Baikal bình luận: “Nếu người Trung Quốc đi, sẽ chẳng còn gì nữa”.

Tờ New York Times cho biết, Nga bán quyền khai thác gỗ như vậy với giá thay đổi theo vùng và loại gỗ, nhưng trung bình, chúng có giá khoảng 2 USD/ha. Đây là mức giá rất thấp so với mức giá ở các nước khác.

Dù khai thác ồ ạt tại Nga, tất cả những dây chuyền sản xuất gỗ thành phẩm đều được thực hiện ở Trung Quốc. Người Trung Quốc giơ lưỡi cưa lên, hạ cây xuống, cho lên xe tải và chở về bên kia biên giới để tiến hành chế biến thành phẩm. Họ thậm chí không lập nhà máy ở ngay trên nước Nga. Người Trung Quốc chỉ rót tiền vào các nhà máy gỗ để biến gỗ thô thành gỗ xẻ. Và đây chỉ là một phần của ngành công nghiệp gỗ vốn đóng vai trò như trụ cột cho nền kinh tế địa phương. Các nhà máy ở Trung Quốc còn xử lý gỗ vụn và mùn cưa để tạo thành ván ép, vật liệu cách nhiệt cùng hàng loạt sản phẩm khác.

doanh-nghiep-trung-quoc-tan-diet-nhung-canh-rung-nga-su-pham-an-cua-ke-doi
Một nhà máy chất đầy gỗ được chở về từ nước Nga ở Manzhouli, một thị trấn biên giới của Trung Quốc. Ảnh: NYT

Đã có những phàn nàn về tác động hủy hoại môi trường bắt nguồn từ hoạt động khai thác gỗ ở Siberia nhưng tác động về khí hậu lại khó đo lường hơn. Nga thường xuyên dẫn đầu thế giới về tình trạng cạn kiệt tài nguyên rừng. Năm ngoái, Nga mất gần 6,6 triệu hecta rừng, gần gấp đôi so với 3,6 triệu hecta rừng bị mất ở Amazon.

Người dân Kansk - một thành phố ở vùng Siberia có biên giới sát với Trung Quốc - đặc biệt tức giận khi các nhà đầu tư mới từ Trung Quốc quyết định không hồi sinh nhà máy xử lý sinh hóa Kansk từ thời Liên Xô, nơi từng sản xuất ethanol từ vụn gỗ. Ethanol thường được dùng cho mục đích công nghiệp nhưng người dân địa phương vẫn ưa sử dụng chúng như một loại rượu, hay còn gọi là vodka mùn cưa.

"Nó là rượu tinh chất. Bạn chỉ cần bỏ vào chút chanh và sung sướng thưởng thức", Sergey Solovyov, một thợ đốn gỗ Nga, nói. "Cả thành phố uống nó trước khi nhà máy bị đóng cửa. Thật buồn vì nhà máy không còn nữa". Thay vào đó, dưới sự quản lý của người Trung Quốc, nhà máy trở thành nơi tập kết mùn cưa.

Năm 2017, một vụ hỏa hoạn tại đây đã khiến lửa lan rộng khắp vùng dân cư, đốt cháy hơn 50 ngôi nhà, phá hủy nặng nề thành phố. Bình luận về những bất cập này, ủy viên Hội đồng Thành phố Kansk, bà Avdoshkevich nói: "Chúng tôi hiểu chúng tôi cần đầu tư... Nhưng nếu quyết định trở thành bạn, chúng ta cần công bằng. Bạn được lợi, tôi cũng được lợi".

doanh-nghiep-trung-quoc-tan-diet-nhung-canh-rung-nga-su-pham-an-cua-ke-doi
Nga đang nỗ lực tái sinh các khu rừng nhiệt đới nhằm giảm thiệt hại của việc khai thác rừng để làm trang trại hoặc canh tác.

Nhưng thực tế, theo bà Avdoshkevich, người Trung Quốc chỉ muốn chở gỗ về nước nhiều nhất và nhanh nhất có thể mà không quan tâm đến đầu tư vào dây chuyền sản xuất ở Nga, đồng thời không để ý tới ảnh hưởng môi trường. "Tôi là người dân thành phố. Tại sao tôi phải chịu đựng những đống rác, những trận hỏa hoạn như vậy", bà bày tỏ bức xúc.

Những trải nghiệm của Eduard Maltsev, một người dân địa phương, phần nào cho thấy mối mâu thuẫn. Maltsev từng làm công việc đưa gỗ vào máy cưa và kiếm được 230 USD/tháng. Khoản thu nhập này là khá ổn đối với người dân ở đây. Tuy nhiên, nhà của Maltsev bị cháy trong vụ hỏa hoạn năm 2017. Quản lý người Trung Quốc đã vội vã rời khỏi thành phố và ông không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Giờ đây, Maltsev làm tài xế xe buýt.

"Thật vậy, điểm tích cực là họ tạo ra việc làm", Maltsev nói về những người Trung Quốc tới Kansk khai thác gỗ. Nhưng giống như người dân từ nhiều thành phố khai thác gỗ khác ở Siberia, Maltsev lúc này nhận thấy sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp khai thác gỗ tại Siberia là điều đáng lo ngại. "Chúng thật sự mang tính phá hoại và nguy hiểm", ông nhấn mạnh.

 

Chuyên gia quốc tế: Cần ngăn Trung Quốc 'tạo sự đã rồi' ở Biển Đông

Dư luận quốc tế tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

 

Chiến thuật dùng dân binh kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc

Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân ngụy trang thành tàu cá nhằm kiểm soát khu vực Biển Đông, ngăn cản hoạt động của các nước xung quanh.