Mở rộng đối tượng kiểm toán: ‘Phải chăng ngành kiểm toán không tin thuế?’

Thứ bảy, 25/05/2019, 11:00 AM

Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, nếu kiểm toán tất cả đối tượng nộp thuế, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, vậy phải chăng chăng ngành kiểm toán không tin thuế?

mo-rong-doi-tuong-kiem-toan-phai-chang-nganh-kiem-toan-khong-tin-thue
Kiểm toán Nhà nước đề xuất kiểm toán cả "người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".

Luật Kiểm toán nhà nước sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Một trong những đề xuất sửa đổi quan trọng và được quan tâm nhất hiện nay là đối tượng của kiểm toán.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề xuất kiểm toán cả "người nộp thuế; tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tổ chức khác có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công".

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, bày tỏ sự băn khoăn đối với một số điều luật được bổ sung vào nội dung, quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước.

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, quy định ở điểm a, Khoản 1 về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động Kiểm toán Nhà nước, bao gồm cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

“Nếu chỉ nói pham vi đối tượng được quy định ở điều khoản này, thì tất cả mọi đối tượng, từ bà bán nước tới doanh nghiệp Nhà nước ai cũng bị kiểm toán. Bởi lý giải nộp ngân sách cũng có nghĩa là nộp thuế, tôi không hiểu quy định như vậy thì Kiểm toán Nhà nước có đủ nhân sự để làm không, có chồng chéo tới việc khác không?” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên băn khoăn.

mo-rong-doi-tuong-kiem-toan-phai-chang-nganh-kiem-toan-khong-tin-thue
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, nội dung của khoản 1, khoản 2 điều 68 như dự thảo Luật là chưa rõ ràng và mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 của Luật KTNN hiện hành là “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Vậy nên, tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán là các tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định được trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và cho rằng các tổ chức, cá nhân đó có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, có những nội dung cần làm rõ để xác nhận, đánh giá và kết luận, kiến nghị về đơn vị được kiểm toán. Tổ chức, cá nhân chỉ trở thành tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán khi tổ chức, cá nhân đó liên quan đến việc quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Đồng thời, việc kiểm tra, đối chiếu…đối với tổ chức, cá nhân có liên quan không phải là kiểm toán tổ chức, cá nhân đó. Vì vậy, sửa đổi Luật cần tập trung: Làm rõ thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; Quy định trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Quy định quyền hạn, phạm vi, trình tự, thủ tục của KTNN trong việc kiểm tra, đối chiếu… đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

mo-rong-doi-tuong-kiem-toan-phai-chang-nganh-kiem-toan-khong-tin-thue
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, mở rộng đối tượng kiểm toán là cần thiết.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, lo lắng về việc ngành kiểm toán có đủ con người là lo lắng về mặt kỹ thuật.

“Còn về nguyên tắc đối tượng kiểm toán là tất cả các hoạt động tài chính công, nộp ngân sách là một dạng hoạt động để hình thành tài chính công. Vì thế việc kiểm toán là cần thiết” - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, hiện nay Việt Nam đang tích hợp kiểm toán và kế toán là một. Do đó tất cả đối tượng nộp thuế đều là đối tượng kế toán và kiểm toán.

“Tuy nhiên nên phân biệt, một bên chuyên kiểm toán nhà nước sẽ đảm nhiệm kiểm toán doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách. Còn với hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh nên để kiểm toán độc lập. Tóm lại mở rộng đối tượng kiểm toán là cần thiết nhưng cần phân cấp để giảm áp lực kiểm toán nhà nước” – Tiến sĩ Phong nếu quan điểm.

mo-rong-doi-tuong-kiem-toan-phai-chang-nganh-kiem-toan-khong-tin-thue
Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, nếu kiểm toán tất cả đối tượng nộp thuế, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, vậy phải chăng chăng ngành kiểm toán không tin thuế? 

Ở chiều ngược lại, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, mở rộng đối tương kiểm toán sang cả khu vực tư nhân, hộ kinh doanh cá thể là không cần thiết. Hiến pháp 2013 xác định, đối tượng của Kiểm toán Nhà nước là "việc quản lý, sử dụng, tài chính công, tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công". 

“Kiểm toán để kiểm tra lại ngành thuế? Phải chăng ngành kiểm toán không tin thuế? Ngành thuế đã quyết toán rồi, giờ kiểm toán lại xuống làm kiểm toán, phải chăng kiểm toán việc thu thuế? Có nghĩa kiểm toán không tin thuế?” - Tiến sĩ Bùi Trinh đặt câu hỏi.

Theo Tiến sĩ Bùi Trinh đã quyết toán thuế, lại kiểm toán lần nữa vừa phí phạm con người, vừa thêm lần lương, thêm nhân sự. Mặt khác, Tiến sĩ Bùi Trinh cũng lo ngại tình trạng kiểm tra chồng chéo, nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây khó cho người kinh doanh.

 

Sửa Luật Kiểm toán nhà nước: Kiểm toán cả bà bán trà đá, anh xe ôm?

Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, vấn đề mở rộng đối tượng kiểm toán được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

PVN mất gần 800 triệu USD vì đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội cho biết hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Tập đoàn có 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công, tổng thiệt hại khoảng 773 triệu USD.

 

Sau gần 1 tháng Thủ tướng chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ mới quyết định thanh tra giá điện

Sau hơn 20 ngày kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Thanh tra Chính phủ mới công bố quyết định kiểm tra, xác minh việc điều chỉnh giá bán điện.