Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, tại sao không mang ra đầu tư hạ tầng giao thông?

Thứ ba, 05/11/2019, 14:20 PM

Không ít người cho rằng với lượng ngoại tệ dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng cao, đó là nguồn lực dồi dào để Việt Nam có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thực tế cách hiểu này không đúng.

du-tru-ngoai-hoi-tang-ky-luc-mang-ra-tieu-duoc-khong
Lượng ngoại tệ dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng cao, số tiền này mang ra tiêu được không?

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục tăng kỷ lục

Tỷ giá giao dịch USD/VND đi ngang trong cả tuần trước trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do. Trong đó, tỷ giá liên ngân hàng chốt tuần dừng đúng mức 23.200 đồng.

Tuy nhiên, sang phiên giao dịch đầu tuần này, tỷ giá liên ngân hàng chỉ còn ở mức 23.199 VND/USD. Dù chỉ giảm 1 đồng so với phiên liền trước nhưng tỷ giá này đã xuyên qua "ngưỡng chặn" mua vào của Ngân hàng Nhà nước.

Đánh giá diễn biến trên, giới chuyên môn cho rằng, Việt Nam đang có nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn.

Mặt khác, lượng mua vào từ phía nhà điều hành phải tính toán cẩn nhận nếu không muốn bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Vì vậy, sẽ có đôi lúc, tỷ giá trên liên ngân hàng rơi qua ngưỡng 23.200 đồng.

Thực tế thống kê của nhóm chuyên gia tại SSI cho thấy, lượng mua vào của Ngân hàng Nhà nước trong 4 tháng vừa qua khá lớn nhưng vẫn thấp hơn so với 4 tháng đầu năm.

Nhóm này cũng nhận định: "Dự trữ ngoại hối hiện ở mức kỷ lục, 73 tỷ USD và kỳ vọng còn có thể tăng thêm. Tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng hiện tại".

Tại thị trường tiền tệ liên ngân hàng, lãi suất VND chào bình quân phiên 4/11 tăng mạnh 0,12 - 0,23 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn. Giao dịch tại qua đêm 1,95%; 1 tuần 2,15%; 2 tuần 2,27% và 1 tháng 2,57%.

Như vậy, lãi suất VND qua đêm liên ngân hàng đều thấp hơn lãi suất tín phiếu trong cả tháng vừa qua. Với việc tỷ giá và lạm phát đang được kiểm soát tốt, nhiều khả năng lãi suất điều hành (tín phiếu) sẽ được giảm thêm 25 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm 2019.

Dự trữ ngoại hối mang ra đầu tư hạ tầng được không?

Không ít người cho rằng với lượng ngoại tệ dự trữ hơn 70 tỉ USD, đó là nguồn lực dồi dào để Việt Nam có thể đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho những năm tới. Trên thực tế không phải vậy.

Để có lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào tương đương với lượng tiền nội tệ, NHNN đã in tiền ra để mua vào. Nó không phải là ngân sách nhà nước để có thể chi tiêu cho việc đầu tư.

Dự trữ ngoại hối chỉ được sử dụng để dự phòng cho các khoản nợ ngoại tệ của quốc gia. Nói cách khác, lượng ngoại hối chỉ được để sử dụng mục tiêu bảo vệ tỷ giá, đảm bảo thanh khoản cho việc thanh toán ngoại tệ.

Chẳng hạn, vào một thời điểm nào đó bị thâm hụt cán cân thanh toán thì NHNN bán ngoại tệ dự trữ ra để giữ cho tỷ giá ổn định. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối nhằm bảo vệ đồng nội tệ khi bị tấn công tiền tệ.

Hầu hết các khoản dự trữ này được giữ bằng đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, thông thường NHTW không phải dự trữ bằng tiền mặt là USD trong kho mà là dưới dạng trái phiếu Chính phủ Mỹ hoặc gửi tại các ngân hàng nước ngoài có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, các NHTW cũng thường dự trữ các ngoại tệ mạnh khác như Bảng Anh (GBP), Euro (EUR), Yên Nhật (JPY), Quyền rút vốn đặc biệt của IMF (SDR), vàng… Tiền lãi phát sinh từ việc gửi tiền hoặc mua trái phiếu được nhập vào ngân sách sau khi trừ chi phí.

Tại Việt Nam, Luật Ngân sách Nhà nước quy định khi thiếu hụt ngân sách thì Chính phủ vẫn có thể vay tiền từ NHNN nhưng phải hoàn trả ngay trong năm tài chính. Như vậy, nếu có thâm hụt ngân sách thì Chính phủ phải đi vay tiền trên thị trường tiền tệ trong hoặc ngoài nước. Các khoản vay của Chính phủ có thể thông qua cấp vốn ODA, vay ngân hàng thương mại, phát hành trái phiếu nội tệ hoặc ngoại tệ.

Link gốc: http://baosuckhoecongdong.vn/du-tru-ngoai-hoi-tang-ky-luc-tai-sao-khong-mang-ra-dau-tu-ha-tang-giao-thong-140795.html