Dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng thêm được 4 tỷ USD, lập kỷ lục mới

Chủ nhật, 12/04/2020, 08:19 AM

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng thêm 4 tỷ USD, thiết lập mức kỷ lục 84 tỷ USD.

dt2

Mới đây, Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt 84 tỷ USD.

Như vậy con số này đã tăng thêm hơn 4 tỷ USD so với mức chưa đến 80 tỷ USD hồi cuối năm 2019. Đồng thời mức 84 tỷ USD cũng là con số cao kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối nước nhà.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, trong 3 tháng qua tỷ giá VND biến động trong biên độ khoảng 1,3 – 1,5%. Có thể nói đây là mức ổn định so với sự biến động rất mạnh của tỷ giá các đồng tiền một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Với mức dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định trong thời gian tới, cơ quan này sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp, bình ổn thị trường, ổn định vĩ mô trong trường hợp cần thiết.

Thống đốc cũng cho biết NHNN đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để ứng phó với tác động quốc tế cũng như diễn biến trong nước.

“NHNN cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng hoàn toàn có đủ năng lực và công cụ để kiểm soát và giữ ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Chúng tôi cũng sẵn sàng các phương án can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cần thiết liên quan đến các diễn biến bất lợi”, Thống đốc nói.

Trong các kịch bản kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tập trung vào kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Hiện tỷ giá trung tâm do NHNN niêm yết ở mức 23.221 đồng/USD (cuối ngày 11/4), trong đó giá bán tham khảo tại Sở giao dịch ở mức 23.175-23.650 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Trên thị trường chính thức, tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại hiện phổ biến ở mức trên 23.500 đồng/USD, giảm 200-250 đồng so với cuối tháng 3.

Tuy dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá ổn định nhưng tăng trưởng tín dụng quý I của ngành ngân hàng lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong đó, đến cuối tháng 3, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,301 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 3,19%).

Bài liên quan