Giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp

Thứ ba, 01/11/2022, 14:49 PM

Từ 15h ngày 1/11, xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, RON 95 tăng 410 đồng/lít. Hiện, giá mặt hàng này đã có lần tăng thứ ba liên tiếp.

Giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp - Ảnh minh họa

Giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp - Ảnh minh họa

Chiều 1/11, liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 380 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.870 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.750 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu kỳ điều hành này được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng 290 đồng/lít lên 25.070 đồng/lít. Hiện, giá dầu vẫn cao hơn giá xăng trong nước. Như vậy, giá xăng trong nước tăng 3 lần liên tiếp sau 4 lần giảm.

Tính đến nay, mặt hàng này đã trải qua 29 lần điều chỉnh giá, trong đó có 16 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở quanh mức 21.800-22.700 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay và tương đương thời điểm cuối tháng 10/2021.

Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 21/10, Petrolimex dương 1.197 tỷ đồng, PVOil âm 747 tỷ đồng, Saigon Petro 261 tỷ đồng, Petimex là 323 tỷ đồng...

Ngày 29/10, tại cuộc họp với các bộ ngành có liên quan gồm: Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội xăng dầu và một số các doanh nghiệp đầu mối lớn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu.

Theo đó, Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ và các quy định theo nghị định 83 và 95 kịp thời điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức...

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.