Giải pháp nào khơi thông gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng?

Thứ ba, 12/03/2024, 10:33 AM

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản sáng 11/3, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực bất động sản "luôn đi cùng" với ngành ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng...

"Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành bất động sản là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ", ông Đào Minh Tú nói.

Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, ông Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung. Trên cơ sở đó giảm giá khách quan của thị trường trên quan hệ cung - cầu cũng như với các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.

Ông Tú cho biết, ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Xây dựng và hiệp hội các doanh nghiệp tiếp tục thảo luận vì sao gói 120.000 tỷ còn có vướng; chỉ đạo hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại; tiếp tục giãn, hoãn nợ...

Đại diện các ngân hàng cũng cho biết, khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, không phải tất cả doanh nghiệp tiếp cận có nhu cầu vay vốn tại thời điểm này. Khi ngân hàng đến tiếp cận, có đến 1/2 chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể triển khai dự án, hoặc có trường hợp bắt đầu triển khai dự án nhưng đang sử dụng vốn tự có.

"Để triển khai đẩy nhanh tiến độ giải ngân, những điều kiện về pháp lý cần có thời gian để tiếp tục giải quyết, như các khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, các điều kiện để chuyển nhượng hoặc toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản", vị lãnh đạo ngân hàng trên chỉ ra.

Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…