Giải pháp phát triển cây chanh leo bền vững • Kỳ I: Những thăng trầm

Thứ hai, 24/10/2022, 14:39 PM

5 năm về trước, chanh leo được coi là “trái vàng” của nông dân Sơn La, bởi khi đó, 1 ha chanh leo chăm sóc tốt mang lại thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, diện tích chanh leo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, từ 4.000 ha chỉ còn khoảng 300 ha. Chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu chanh leo của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn, người dân cũng mất đi nguồn thu nhập đáng kể từ cây trồng này.

Giống trôi nổi và dịch hại khó lường

Chúng tôi trở lại những xã, bản trước đây từng là “vựa” chanh leo của tỉnh, với diện tích cho sản lượng hàng trăm tấn quả chanh tươi mỗi năm, gặp những người đầu tiên tham gia thí điểm trồng chanh leo theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây chanh leo tại tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX chanh leo Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Chị Bình xót xa kể lại: HTX thành lập tháng 4/2017. Khi đó,  HTX đã trồng 50 ha chanh leo theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc. Riêng gia đình tôi trồng 1 ha, năm 2017, chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì cả vườn chanh bị bệnh loang dầu, chỉ sau vài ngày, cả giàn chanh rụng như sung dưới đất, không có thuốc gì cứu vãn, thiệt hại hơn 400 triệu đồng.

Ngược lên xã vùng III Mường É, huyện Thuận Châu, gặp bà Quàng Thị Hem, bản Kiểng cũng là một trong những hộ tiên phong trồng chanh leo trong xã. Bà Hem nói: Những năm 2017, 2018, trồng chanh leo đem lại giá trị kinh tế cao lắm, gia đình tôi có 2,5 ha đất trồng chanh leo giống Đài Nông 1 của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc mà thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Nhưng đến năm 2019, cây chanh leo bị nhiễm virut, cán bộ kỹ thuật của Công ty và huyện xuống giúp khắc phục nhưng không cứu được, phải phá bỏ. Hiện, gia đình đã thay thế bằng cây cà phê, mắc ca, chè.

Chứng kiến diện tích chanh leo bị bệnh, ông Quàng Văn Xiến, Chủ tịch UBND xã Mường É nhiều đêm mất ăn, mất ngủ, điện thoại cầu cứu khắp nơi. Ông Xiến nhớ lại: Cuối năm 2018, khi đó thấy các hộ trồng chanh leo cho thu nhập cao, nhiều hộ đã tự mua cây giống chanh leo không rõ nguồn gốc về trồng. Rồi virut xuất hiện, lây lan nhanh, vỏ quả hóa gỗ và sần sùi như da cóc, giá bán chỉ vài nghìn đồng/kg. Từ trên 100 ha chanh leo, đến nay xã còn khoảng 18 ha.

Vườn chanh leo xanh tốt được trồng tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu) năm 2017-2018.

Vườn chanh leo xanh tốt được trồng tại xã Chiềng Pha (Thuận Châu) năm 2017-2018.

Rời huyện Thuận Châu, đến xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn. Cây chanh leo bén rễ trên đất Chiềng Lương từ năm 2016. HTX Thành Đạt, bản Lạn được Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc lựa chọn làm đơn vị trung gian cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật; thu mua nguyên liệu cho nhà máy.

Trong ký ức của nhiều người dân xã Chiềng Lương, những buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chanh leo; những chuyến xe giống chanh leo trở về bản bàn giao cho bà con trồng năm 2016 vui như hội. Chỉ sau vài tháng bén rễ, vườn chanh leo cho quả sai trĩu. Khi đó, Công ty mua giá 15.000 - 20.000 đồng/kg quả. Hiệu quả kinh tế cao, năm 2018, nhiều hộ tiếp tục trồng, nhưng ngoài giống chanh leo của Nafoods, một số hộ tự mua giống chanh leo từ các thương lái với giá rẻ hơn về trồng, không được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, vườn chanh leo phát triển chậm. Cùng với đó, dịch bệnh bùng phát, lây lan, không khống chế được, khiến vùng nguyên liệu chanh leo cứ thế giảm dần.

Chuỗi liên kết chưa bền vững

Năm 2016, Công ty cổ phần Nafoods đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả, với mong muốn đưa Sơn La trở thành vùng trồng chanh leo lớn nhất cả nước; đưa quả chanh leo và sản phẩm chế biến từ chanh leo được trồng ở Sơn La xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế  giới. Ngay từ khi đặt chân lên Tây Bắc, liên kết “4 nhà” doanh nghiệp - chính quyền - hợp tác xã, tổ hợp tác - người dân, trong đó nòng cốt là HTX đã được Nafoods Tây Bắc xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, cho biết: Từ 5 ha chanh leo trồng thử nghiệm năm 2015, đến năm 2019, Nafoods Tây Bắc đã mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu lên gần 4.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, Phù Yên... Khi đó, đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 50 hợp tác xã, tổ hợp tác.

Trong bản cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm mà Công ty ký với đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác, giá thu mua thực tế theo thị trường (công ty báo giá theo ngày) và có giá bảo hiểm sản phẩm là 4.500đồng/kg cho tất cả các loại quả.... Mọi việc diễn ra đúng kế hoạch cho đến khi thương lái thu mua chanh leo xuất hiện làm cho mắt xích chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ, chế biến gặp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX chanh leo Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, nói: Cuối năm 2018, thương lái lùng sục thu mua chanh leo, đẩy giá mua luôn cao hơn giá công ty 2.000-3.000 đồng/kg, thậm chí thời điểm cao hơn 12.000 đồng/kg. HTX cùng cán bộ huyện xuống tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tuân thủ cam kết phát triển bền vững, nhưng người dân cho rằng trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm, Công ty cam kết thu mua quả chanh leo sát với giá thị trường, nhưng thực tế lại thấp hơn và việc phân loại chanh leo A1 tốn công. Trong khi tư thương mua xô, không bắt phân loại quả mà giá cao hơn nhiều.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Viết Luyến, thành viên HTX chanh leo Mộc Châu, tiểu khu 84-85 thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi trồng gần 5.000 m² chanh leo giống Đài nông 1. Năm đầu tiên, bán quả thu hơn 200 triệu đồng. Ban đầu các thành viên, hộ dân thực hiện cam kết bán chanh leo cho nhà máy chế biến. Khi tư thương xuất hiện, trả giá cao hơn nhà máy, các hộ dân lại nghiêng về phía tư thương. Ban đầu các hộ còn bán “vụng trộm”, về sau bán công khai cho tư thương, Nhà máy cũng chẳng làm được gì!

Đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, phía Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ban đầu nâng giá mua theo mức tăng giá của thị trường tự do, nhưng khi Công ty nâng được một giá, thương lái nâng 2-3 giá. Không thể chạy theo giá thị trường, nên lượng chanh nguyên liệu bị người dân tuồn bán hết cho thương lái. Đầu năm 2019, Công ty buộc phải hủy bỏ hợp đồng liên kết với nhiều HTX.

Chữ “tín” chưa được đặt lên hàng đầu

Đối mặt với việc vùng nguyên liệu giảm do dịch bệnh, tư thương cạnh tranh, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc vừa phải xoay sở phát triển vùng nguyên liệu, vừa gặp khó trong việc thu hồi vốn cung ứng giống cây trồng. Qua tìm hiểu các mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chanh leo, Công ty phát hiện có không ít cá nhân, HTX lạm dụng tín nhiệm lũng đoạn thị trường, dây dưa nợ 2 chiều, gây mất lòng tin người dân và công ty.

Phá bỏ diện tích trồng chanh leo bị virut ở bản Lạn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.

Phá bỏ diện tích trồng chanh leo bị virut ở bản Lạn, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.

Theo thông tin của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, còn rất nhiều trường hợp trong tỉnh đang nợ tiền mua cây giống của Công ty, gồm cả doanh nghiệp, HTX, cá nhân. Mỗi cá nhân, đơn vị nợ Công ty từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, dẫn đến tổng số tiền nợ cây giống lên đến gần 2 tỷ đồng. Công ty đã tiến hành khởi kiện một số đối tượng là doanh nghiệp, HTX ra tòa án để thu hồi công nợ. Tuy nhiên, sau khi bản án được đưa ra, các đối tượng vẫn chưa trả hết nợ, cơ quan thi hành án vào cuộc xác minh thu hồi, nhưng các tổ chức này không có tài sản cũng như không có bất cứ hoạt động giao dịch nào, dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Giống chanh leo trôi nổi người dân Mường É, huyện Thuận Châu tự mua không phát triển.

Giống chanh leo trôi nổi người dân Mường É, huyện Thuận Châu tự mua không phát triển.

Sau hơn 6 năm xây dựng vùng nguyên liệu chanh leo theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm, ông Lê Hoài Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, ngậm ngùi: Công ty đặt nòng cốt mở rộng vùng trồng nguyên liệu là HTX, nhưng nhiều HTX bản chất chưa vận hành đúng mô hình sở hữu mà do một vài cá nhân lập nên, có tính tư lợi cao, có tình trạng lũng đoạn giá chênh lệch giữa Công ty và người dân. Có trường hợp thấy thương lái mua giá cao, đã tự ý đem hàng của dân đi bán để hưởng tiền chênh lệch; đại diện trung gian (HTX, tổ hợp tác) mang tính hành chính cao, không linh hoạt trong điều tiết, thanh toán, vận chuyển. Từ đó, phát sinh nhiều chi phí và bất cập..., khiến vai trò của chuỗi liên kết bị mờ nhạt.

Vùng nguyên liệu thiếu hụt, sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường dẫn đến chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm bị đứt gãy... Vậy hướng đi nào cho cây chanh leo tiếp tục phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho bà con trên đồng đất Sơn La?