Giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải

Chủ nhật, 03/05/2020, 07:29 AM

Mẹ của bị cáo Hồ Duy Hải liên tục kêu oan sau khi hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm đều kết luận tử hình Hồ Duy Hải. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm chủ tọa phiên Giám đốc thẩm.

Tử tù Hồ Duy Hải.

Tử tù Hồ Duy Hải.

Vụ án Hồ Duy Hải từng rúng động dư luận trong thời gian dài bởi hung thủ giết cùng lúc 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi, cướp tài sản.

Tuy nhiên, sau hai phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, nhận thấy có dấu hiệu sai sót về quy trình nghiệp vụ, VKSND Tối cao đã đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. 

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm chủ tọa phiên Giám đốc thẩm. Ngoài các ủy viên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và đại diện Viện KSND tối cao, TAND tối cao và đại diện các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND Tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong tham gia phiên xét xử với tư cách người bào chữa cho Hồ Duy Hải.

Dự kiến phiên giám đốc thẩm diễn ra từ ngày 6-8/5 tới.

Nội dung vụ án

Theo nội dung vụ án, năm 2007 Hồ Duy Hải quen biết hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An). Sáng 14/1/2008, hai nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.

Ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải bị bắt. Hồ sơ thể hiện Hải là hung thủ duy nhất giết người tại Bưu điện Cầu Voi. Sau đó, Hải bị kết án tử hình về tội giết người và 5 năm tù về tội cướp tài sản.

Trong vụ án, Đinh Vũ Thường là người duy nhất vào Bưu điện Cầu Voi tối xảy ra vụ án. Anh Thường đến bưu điện gọi điện về Cà Mau lúc 19 giờ 39 phút 22 giây thì thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện và nhìn thấy chiếc xe Dream nhưng không thấy biển số xe. 

Tại biên bản ghi lời khai ngày 31/3/2008, anh Thường khai không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được. 

Tuy nhiên, cáo trạng lại căn cứ vào lời khai này và cho rằng "nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện" tại thời điểm xảy ra vụ án.

Lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định hung thủ là ai. Tuy nhiên khi xét xử, tòa án đã không triệu tập nhân chứng này tham gia phiên tòa. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng thể hiện anh Thường không tham dự phiên tòa.

Cả hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều tuyên phạt bị cáo này tử hình. Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ bị cáo Hồ Duy Hải liên tục kêu oan cho con.

Năm 2011, VKSND Tối cao không có kháng nghị với các bản án trên. 

Năm 2014, cơ quan chức năng tỉnh Long An dự định sẽ tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch Nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng, tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.

Việc thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải sau đó tạm dừng.

Gần cuối năm 2019, VKSND Tối cao có kháng nghị đề nghị hủy hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) bị sát hại, cướp tài sản liên quan đến bị cáo Hồ Duy Hải. Quyết định kháng nghị lần này thay cho quyết định không kháng nghị trước đó.

Theo đó, VKSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. VKSND Tối cao đề nghị hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và Bản án phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Trong nội dung kháng nghị có nêu, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án. Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Theo VKSND tối cao, vụ Hồ Duy Hải và kỳ án Bưu điện Cầu Voi có nhiều mâu thuẫn cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật...

Các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Ngoài ra, theo tài liệu và quá trình giải quyết vụ án, lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án. Những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.

Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.

Những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ. Cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng đã trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ theo quy định pháp luật...

Theo VKSND Tối cao, để không làm oan người vô tội, tránh bỏ lọt tội phạm, cần phải khắc phục những vấn đề trên.