'Giãn cách xã hội’ là gì? Biện pháp dễ dàng và tốt nhất để ngăn Covid-19 lây lan

Thứ năm, 12/03/2020, 10:54 AM

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị mọi người thực hiện 'giãn cách xã hội’ hay giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội, để ngăn chặn Covid-19.

Giãn cách xã hội được cho là một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn dịch Covid-19.

Giãn cách xã hội được cho là một trong những biện pháp tốt nhất để ngăn chặn dịch Covid-19.

Giãn cách xã hội là cách tạm dịch của cụm từ "social distancing". Có thể hiểu đây là định nghĩa của việc giữ khoảng cách trong mọi hoạt động xã hội, là phương pháp mà nhiều chuyên gia y tế và CDC đang khuyến nghị. Mục tiêu của giãn cách xã hội là để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm bởi virus gây dịch Covid-19 lây nhiễm qua các giọt từ đường hô hấp bị bắn ra do ho và hắt hơi giữa những người ở gần nhau trong phạm vi 1,8 mét.

Giãn cách xã hội là gì?

Theo khuyến nghị của CDC, giãn cách xã hội liên quan đến việc không tham dự các cuộc họp, tránh tụ tập đông người và duy trì khoảng cách bất cứ khi nào có thể để hạn chế khả năng lây lan của virus.

Giãn cách xã hội không giống hai thực hành khác đang được sử dụng để giảm thiểu sự lây lan của virus corona là tự cách ly hoặc cách ly. Cách ly hoặc tự cách ly hạn chế sự di chuyển của mọi người trong một khu vực nhất định để ngăn chặn sự truyền bệnh và lây nhiễm. Giãn cách xã hội không có những hạn chế về vị trí như vậy, thay vào đó, nó là một thực hành để giảm rủi ro trong hầu hết hoàn cảnh.

Giãn cách xã hội là một thuật ngữ rất chung chung, vì vậy có rất nhiều biện pháp khác nhau thuộc phương pháp này, tiến sĩ Susy Hota, Chuyên gia về Bệnh truyền nhiễm và Dịch tễ học Bệnh viện tại Bệnh viện Đại học Toronto (UHN ), nói với Time.

Việc mọi người được chọn hoặc được cho phép làm việc tại nhà cũng được tính là giãn cách xã hội. Các tổ chức hủy bỏ các cuộc tụ họp và sự kiện lớn cũng vậy. Tất cả các biện pháp này đều cố gắng đạt được điều tương tự là không để mọi người ở quá gần nhau nhưng với các chiến thuật và các sắc thái hơi khác nhau.

Giãn cách xã hội nên thành một thói quen trong thời dịch bệnh

Giãn cách xã hội được xem như một hành vi hiệu quả và là cái gì đó mà bất cứ ai và mọi người nên thực hành. “Tôi có đang làm những việc tạo ra rào cản giữa tôi và những người xung quanh không?”, Denise Rousseau, giáo sư về hành vi tổ chức và chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon, đề nghị mọi người nên tự hỏi mình khi thực hiện các hoạt động xã hội như giao tiếp, giao lưu hoặc đến đâu đó.

“Đây là cách mọi người cần suy nghĩ khi họ tương tác hàng ngày vào thời điểm như thế này. (Luôn phải tự hỏi) Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro?”, Rousseau cho biết thêm.

Đáng chú ý, yếu tố nguy cơ mắc bệnh có liên quan đến cả bản thân và người khác. Ngay cả khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh, việc giữ khoảng cách với người khác có thể hạn chế tác động đối với người già hoặc những người dễ bị tổn thương.

Rousseau giải thích rằng giãn cách xã hội cũng là một lựa chọn tốt khi nhiều người không thể lúc nào cũng ở nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Người dân cần phải tiếp tục sống thay vì bị cách ly hoàn toàn, bằng cách tạo khoảng cách giữa người với người, khả năng virus lây nhiễm sẽ giảm.

Các biện pháp bổ sung cho giãn cách xã hội

Tuy nhiên, cả Hota và Rousseau đều thừa nhận có một số trường hợp khó có thể giữ một khoảng cách nhất định với người khác - ví dụ như khi đi bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc sử dụng thang máy.

Truy cập các dịch vụ công cộng như bưu điện, ngân hàng hoặc cửa hàng tạp hóa, tham dự các hoạt động tín ngưỡng cũng là một thách thức để thực hiện giãn cách xã hội.

Do vậy, ngoài việc giữ bất kỳ khoảng cách nào có thể chẳng hạn như không đến những nơi đông người, Tiến sĩ Hota nói rằng mọi người phải chú ý đến thói quen vệ sinh, đảm bảo rửa tay hoặc sử dụng chất khử trùng tay thường xuyên.

Hota và Rousseau là một trong số nhiều chuyên gia tin rằng giãn cách xã hội là một bước quan trọng đối với tất cả mọi người để phòng dịch. Theo Hota, có rất nhiều ví dụ về giãn cách xã hội rất dễ thực hiện nhưng phần khó khăn nhất là khiến mọi người nhận ra được tác dụng của nó trong phòng chống dịch.

“Chúng (các biện pháp giãn cách xã hội) nghe có vẻ đơn giản, nghe có vẻ nhàm chán và không thú vị lắm nên thật khó để khiến mọi người thay đổi hành vi. Thật khó để thu hút sự chú ý của mọi người vào những thứ nghe có vẻ đơn giản”, bà Hota nói nhưng khẳng định giãn cách xã hội rất quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

Bài liên quan