Gian lận thi cử ở Hà Giang: Nhiều tình tiết 'khó tin'

Thứ hai, 08/07/2019, 01:45 AM

Một mình trực tiếp sửa 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh... bị can Vũ Trọng Lương khiến nhiều người "đánh giá tài giỏi", tuy nhiên thần kinh không bình thường nếu đúng là nâng điểm không vì tiền, không vì lợi ích.

Gian lận thi cử ở Hà Giang
Nguyễn Thanh Hoài (trái) và Vũ Trọng Lương, hai bị can trong vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: IT).

Nhiều tình tiết khó tin

Vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang sắp được TAND tỉnh Hà Giang đưa ra xét xử, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Xung quanh vụ án có nhiều tình tiết gây khúc mắc và khiến nhiều người cảm thấy khó tin. Đó là việc bị can Vũ Trọng Lương (cựu Phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (QLCLGD) thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) được xác định là người trực tiếp sửa 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Đặc biệt, là tình tiết các bị can khai nhận việc nâng điểm, sửa bài thi không vì lợi ích, không vì tiền. "Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Phụ huynh và các bị can đều một mực khẳng định không đưa, nhận tiền, không vì bất cứ lợi ích vật chất nào... Bị can Nguyễn Thanh Hoài, bị can Vũ Trọng Lương đều khẳng định chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân", bản cáo trạng về vụ án nêu rõ.

Trước những thông tin này, trao đổi với PV, thầy giáo Nguyễn Văn Khải (thầy giáo vật lý kỳ cựu tại Hà Nội) cho rằng: Đây là những thông tin khó thuyết phục được dư luận.

"Bởi chẳng có ai thần kinh đánh đổi cả tương lai, cả cuộc đời để đi làm việc mạo hiểm (sửa bài thi), rồi lên kế hoạch cả tháng mà không vì mục đích gì", thầy giáo Khải nói.

Theo ông Khải, phía lời khai của cựu Phó Phòng và của bị can Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng Phòng Khảo thí và QLCLGD) là lời khai một phía. Việc chứng minh nó đúng hay sai là việc làm của cơ quan chức năng.

"Nếu lời khai là đúng thì những kẻ này (bị can Lương và Hoài) phải đi khám tâm thần, thần kinh không bình thường... Thế hóa ra 2 kẻ thần kinh lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo phòng hay sao", thầy Khải bày tỏ.

Bên cạnh đó, cũng theo thầy Khải, việc cơ quan chức năng xác định Vũ Trọng Lương một mình trực tiếp sửa 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh cũng là thông tin khiến nhiều người hồ nghi. 

"Một mình sửa 309 bài thi, nâng điểm cho 107 thí sinh, lại chính xác thông tin từng người thì... quả là tài giỏi. Thế nhưng giỏi như vậy mà không biết việc mình làm nguy hiểm đến đâu sao mà sửa điểm chỉ vì quen biết, không vì tiền", ông Khải chỉ ra điểm mâu thuẫn trong vụ án.

Ý kiến được vị thầy giáo đưa ra cũng là ý kiến của nhiều phụ huynh tại Hà Nội thắc mắc khi trao đổi với PV.

Bị can Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính (hai cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang).
Bị can Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính (hai cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang).

Anh Vinh Quang (một phụ huynh có con học lớp 12) cho biết: "Đây là vụ án nghiêm trọng làm mất đi lòng tin của học sinh và phụ huyh vào môi trường giáo dục. Nó tạo cho con người ta cảm giác không có sự công bằng.

Cũng chính vì thế cơ quan chức năng cần làm rõ chi tiết, xử lý nghiêm đối với các đối tượng trong vụ án để lấy lại niềm tin của người dân và thế hệ mai sau".

Lên kế hoạch từ 1 tháng trước

Theo cáo trạng, đầu tháng 5/2018, bị can Nguyễn Thanh Hoài gọi Vũ Trọng Lương sang phòng làm việc tại Sở GD&ĐT nói cần nâng điểm cho "một số trường hợp đặc biệt" trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Sau đó, Lương đồng ý và nói cần phải nghiên cứu thêm phần mềm quản lý thi của Bộ GD&ĐT. Giữa tháng 5/2018, sau khi tổ chức quét và chấm thử trên phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm của Bộ Lương phát hiện phần mềm có "lỗ hổng".

Lương sau đó sang phòng làm việc của Hoài nói cho Hoài biết là Bộ GD&ĐT chỉ yêu cầu gửi file Excel và nói với Hoài là "có thể xử lý nâng điểm được". Sau khi nghe Lương nói vậy, Hoài đã 3 lần chuyển danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm môn thi trắc nghiệm cho Lương.

Tháng 6/2018, sau khi một số người quen, đồng nghiệp nhờ nâng điểm cho thí sinh, Hoài tải danh sách M9 từ phần mềm quản lý thi THPT Quốc gia về máy tính cá nhân, đánh dấu bôi màu vàng vào dòng thông tin các thí sinh và điền số điểm cần nâng rồi đưa cho Lương. Trong lần 1 có tổng số 77 thí sinh cần nâng điểm.

Cũng trong khoảng thời gian tháng 6/2018, Hoài trực tiếp nhận tin nhắn của 2 người quen gửi SBD của 3 thí sinh để nhờ Hoài nâng điểm. Hoài tiếp tục chuyển tin nhắn này qua điện thoại cho Lương để Lương thực hiện thao tác nâng điểm cho 3 thí sinh này.

Sau đó Hoài tiếp tục nhận thông tin của các thí sinh cần nâng điểm. Khoảng thời gian từ 28/6-29/6/2018, tại phòng Trưởng ban thư ký Hội đồng thi ở tầng 2 trường THPT Chuyên Hà Giang, Hoài sử dụng máy tính cá nhân để lập danh sách SBD 13 thí sinh rồi gửi qua email cho Lương để Lương nâng điểm. Sau khi nhận được danh sách, Lương tiếp tục nhập bổ sung vào danh sách thí sinh cần nâng điểm mà Lương đã lập, lưu trong máy tính.

Liên quan đến vụ án, 5 bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng Phòng Khảo thí và QLCLGD (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang); Vũ Trọng Lương - cựu Phó Phòng Khảo thí và QLCLGD; Phạm Văn Khuông, Triệu Thị Chính (là 2 cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang);  Lê Thị Dung (cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang).

 

Sau tin đồn đào được đá quý 5 tỷ, dân tình thi nhau mang xẻng quốc kéo về Yên Bái

Lượng người đổ xô về nơi có tin đồn tìm được đá quý 5 tỷ ngày càng nhiều lên. Tuy nhiên đá quý thì chưa thấy đâu, chỉ thấy hàng quán bỗng dưng phát đạt phát đạt vào dịp này.

 

Khởi tố hai bị can trong vụ doanh nghiệp phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ

Hai bị can ở Thừa Thừa Thiên Huế vừa bị khởi tố liên quan đến việc mua bán hóa đơn in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn thu nộp ngân sách Nhà nước.

 

Bắt giữ người đàn ông dùng búa đập vỡ kính cướp tiệm vàng

Tối 6/7, Công an TP Đà lạt (Lâm Đồng) cho biết, vừa bắt được nghi can Văn Đức Khánh (38 tuổi, trú TP Đà Lạt) để điều tra hành vi cướp tiệm vàng.