Gõ gõ khuôn gỗ có đất, những ông Táo lần lượt ra đời trên đất Huế

Thứ năm, 16/01/2020, 13:00 PM

Bao đời nay, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, dân làng Địa Linh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) cần mẫn “sinh” ra hàng nghìn ông táo phục vụ dịp Tết ông Công ông Táo.

 

 

Người dân làng Địa Linh đúc tượng ông Táo.

Mỗi khi đến dịp Tết ông Công ông Táo (ngày 23 tháng Chạp Âm lịch), nhắc đến những bức tượng ông Táo, mọi người đều nghĩ ngay đến ngôi làng có truyền thống làm ông Táo này.

Trên mảnh đất Cố đô Huế, Địa Linh là ngôi làng duy nhất còn giữ nghề làm ông Táo. Trong làng này, chỉ còn khoảng 5 hộ dân còn ngày đêm theo đuổi nghề “biến đất thành cơm” mà cha ông truyền lại.

 

 

Ông Nhật đang gạt bỏ phần đất thừa.

Hàng trăm năm trước, làng Địa Linh nổi tiếng với nghề nung đất, trong đó có nghề sản xuất gạch và nghề làm tượng ông Táo. Thế nhưng, dân cư đông đúc nên nghề làm gạch bị cấm sản xuất vì ô nhiễm môi trường. Giờ đây, nghề làm ông Táo đã làm nên tiếng tăm cho ngôi làng này.

Những ngày giáp Tết, những tiếng gõ vang lên nhiều hơn trong ngôi làng này. Hai bên đường vào làng, hàng nghìn ông Táo được sắp xếp thẳng thớm nằm “tắm nắng”.

Bên trong các lò nung, những lớp lớp ông Táo lần lượt được sưởi ấm. Nhìn về phía lò nung, ông Võ Văn Nhật (64 tuổi) cho hay, ông đã gắn bó với công việc này hơn 40 năm qua. Những ngày này, các thành viên trong gia đình ông Nhật đang bận rộn với công việc tạo ra những ông Táo.

 

 

Ông Nam đang xếp tượng vào lò nung.

Vừa nói, tay ông Nhật thoăn thoắt nhồi đất vào chiếc khuôn gỗ, gạt bỏ phần thừa, lấp đầy những phần khuyết, rồi gõ gõ, những ông táo lần lượt ra đời. Khi tượng vừa rời khỏi khuôn sẽ được đặt xuống mặt phẳng bằng gạch đỏ để tượng rút bớt nước. Sau đó, mang phơi nắng khoảng một buổi trước khi vào lò nung.

Có hơn 30 năm làm tượng ông Táo, ông Võ Văn Nam cho biết: “Công đoạn xếp tượng vào lò nung rất quan trọng. Có hơn 1 nghìn tượng phải sắp xếp thành từng hàng, nhiều lớp trên dưới xen kẽ, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa cháy đều, tránh việc nổ hoặc vỡ nát. Nếu tượng bị lệch phải chêm miếng đất vào dưới tượng để tránh bị sụp”.

 

 

Những ông Táo ra đời.

Một mẻ ông Táo thường nung khoảng 2 ngày và làm nguội trong 2 ngày. Tượng nung xong được vẽ bằng màu, rắc bột kim tuyến để bắt mắt hơn, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Tượng ông Táo cung ứng cho thị trường trong tỉnh, đi vào miền Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Phước…

Theo người dân nơi đây, để làm tượng ông Táo, họ chuẩn bị đất sét từ tháng 3 Âm lịch, đất được lấy từ cánh đồng màu mỡ phía sau làng hoặc mua ở thị xã Hương Trà, rồi nhào nặn đến khi đất đã đạt được độ dẻo. 

Một dụng cụ không thể thiếu để làm nghề “biến đất thành cơm” này là chiếc khuôn gỗ. Chúng được dùng để tạo hình tượng ông Táo, được làm từ gỗ lim đã chạm đục lõm hình tượng hai ông, một bà Táo đứng cạnh nhau.

 

 

Rắc kim tuyến cho ông Táo.

Nghề này vất vả nhất chính là khâu làm đất sét và đúc. Họ phải chọn loại đất sét vàng, ít tạp chất nhào cho đến khi đất chín. Khi nhồi đất vào khuôn đúc, phải ép chặt nếu không sau này tượng bị méo.

Làm khoảng hơn 5 vạn ông Táo mỗi năm, ông Nhật nói: “Giờ đây, nghề làm tượng Táo đất càng ngày càng ít người theo, do công việc vất vả, thức khuya dậy sớm, trong khi thu nhập chẳng đáng là bao”. 

Dù thu nhập cũng chỉ đủ lo cho cuộc sống, nhưng người dân nơi đây vẫn kiên trì sống lấy nghề này, bởi đây là nghề mà cha ông đã để lại. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những con người làng Địa Linh vẫn cần mẫn đúc ra những ông Táo phục vụ cho thị trường và giữ nghề truyền thống của cha ông.

 

 

Ông Táo trở nên mắt bắt với nhiều màu sắc.