Gỡ nút thắt để du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tế

Thứ năm, 22/12/2022, 14:13 PM

Để hút khách du lịch, giới chuyên gia đề xuất cần chính sách đột phá về visa. Trong đó, nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và châu Âu.

Khách quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu khách quốc tế (tăng 21,1 lần so cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19). Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).

Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, khi 11 tháng của năm đón 2,9 triệu khách, giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, khi 11 tháng của năm đón 2,9 triệu khách, giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Để ngành du lịch sớm phục hồi, tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài như hiện tại, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện tốt nhất.

Trong đó, Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15/3/2022, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, dừng việc khai báo y tế với Covid-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022, không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh từ ngày 15/5/2022; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam với các hình thức phong phú, đa dạng, nhất là trên các nền tảng số… Ở trong nước, đã có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch và các lĩnh vực liên quan.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, lĩnh vực du lịch thế giới đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử và phải mất 2-4 năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng bằng mức trước dịch. Với Việt Nam, là một trong những nước mở cửa hoạt động du lịch sớm nhưng khách quốc tế đến Việt Nam ít hơn các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore... 

Cần chính sách đột phá về visa cho du khách quốc tế

Nhận diện nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng do nhiều điều kiện khách quan. Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan là chính sách visa tuy có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng việc triển khai chưa tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến cũng như kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu. "Chúng ta chưa có chính sách visa đặc thù cho bối cảnh mới với yêu cầu cấp thiết của việc thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch hậu Covid-19", Bộ trưởng nhận định.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, thời hạn miễn thị thực 15 ngày của Việt Nam là rất ngắn và chưa phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là khách ở những thị trường xa như châu Âu với thói quen đi du lịch 3-4 tuần. Trong khi đó, thời gian miễn thị thực của nhiều nước ASEAN là 30-45 ngày, thậm chí Thái Lan là 90 ngày. Bên cạnh đó, Malaysia, Singapore đã miễn thị thực cho 162 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia, Thái Lan miễn cho 65 quốc gia; còn Việt Nam mới đang miễn thị thực cho 24 quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Song song đó, kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; xem xét thí điểm cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách nước ngoài.

Tại Hội nghị "Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam" diễn ra ngày 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trăn trở: Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm so các nước khác khi vẫn còn đang dịch Covid-19; ngay sau đó, chúng ta quyết định tổ chức SEA Games 31, mở cửa du lịch… Đến nay, chúng ta thấy chủ trương này là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có điểm nghẽn.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân tại sao Việt Nam lại "đi trước, về sau" trong phục hồi du lịch quốc tế. "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?", Thủ tướng đặt vấn đề.

Do đó, để hút khách du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch, hàng không và giới chuyên gia đề xuất cần chính sách đột phá về visa. Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, kiến nghị trước mắt, Việt Nam cần sớm quay về các chính sách visa như giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể, nới lỏng và mở rộng chính sách visa, bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore. Trong đó, xem xét miễn visa cho du khách Mỹ, Úc, Ấn Độ và châu Âu; mở rộng đối tượng áp dụng chính sách E-visa, visa on arrival (visa cấp tại sân bay).

Đồng thời, gia hạn thời gian miễn visa lên tối thiểu 30 ngày hoặc 45 ngày. Bên cạnh đó, cho phép du khách được sử dụng visa nhập cảnh nhiều lần vào Việt Nam thay vì một lần như hiện tại; ưu tiên cho thị trường Mỹ, châu Âu và Úc - những nơi có tiềm năng khách đi du lịch dài ngày.

Cùng quan điểm, trong khi chờ đợi các chính sách thay đổi, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng trước mắt trong năm 2023, các doanh nghiệp chỉ mong chính sách visa hồi phục lại như trước dịch là 2019, để có thể tạo thuận tiện cho du khách. "Cứ hãy làm tốt những cái đã có từ evisa đến visa on arrival, những chính sách mà chúng ta đã làm rất nhanh nhẹn nhuần nhuyễn và đã tạo được hình ảnh tốt đẹp trước dịch, ông Bình nhận định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), một trong những nguyên nhân khiến cho du lịch Việt Nam "hụt hơi" dù mở cửa sớm là do chúng ta chưa có nhiều cơ chế đối thoại công tư để điều chỉnh chính sách thuận lợi và kịp thời, để phát hiện ra những rào cản kỹ thuật, để đề xuất những chính sách ưu đãi hấp dẫn mời gọi khách tới.

"Chúng ta đã đưa ra một số chỉ tiêu cho ngành du lịch nhưng chúng ta chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt được các chỉ tiêu đó. Chúng tôi đề xuất Chính phủ cho thành lập một Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ phục hồi du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế. Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ xem xét các chính sách và cách thực hiện chính sách, đồng thời xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể quốc gia phục hồi và phát triển ngành du lịch", đại diện TAB đề xuất.