Hà Nội dự định thu phí ô tô vào nội đô từ năm 2024: Nhiều câu hỏi cần lời giải

Thứ tư, 19/10/2022, 06:16 AM

Nhiều vấn đề được người dân quan tâm nếu Hà Nội tiến hành thu phí vào nội đô từ 2024.

Empty

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Tramoc) và Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT-Trường Đại học GTVT (đơn vị tư vấn) kiến nghị Sở GTVT TP Hà Nội đẩy nhanh thời điểm áp dụng đề án thu phí ô tô vào nội đô để phù hợp với quy định hiện hành và tránh những khó khăn phát sinh về sau.

Nếu đề án được HĐND TP thông qua, UBND TP trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022 thì đến năm 2024 sẽ tiến hành thí điểm để sau đó chính thức thực hiện.

Các TP trên thế giới triển khai thu phí ô tô vào nội đô thành công đều phải nhờ vào điều kiện đặc thù là giao thông công cộng rất thuận tiện.

Điển hình như Singapore, London (Anh), Stockholm (Thuỵ Điển) giao thông công cộng cực kỳ tốt. Ở các nước này, người dân với nhiều thành phần khác nhau có thể đảm bảo mục đích chuyến bằng hệ thống giao thông công cộng. Do vậy, khi áp dụng thu phí vào nội đô, người đi ô tô sẵn sàng chuyển sang giao thông công cộng mà không gặp khó khăn nào.

Quay lại Hà Nội, liệu thời điểm đến 2024 việc hạn chế ô tô vào nội đô đã phù hợp hay chưa?

Để trả lời câu hỏi này cần nhìn vào các vấn đề: Thứ nhất về phương tiện giao thông công cộng, với điều kiện giao thông công cộng Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 17,5% chắc chắn người đi ô tô sẽ đi xe máy thay vì đi giao thông công cộng. Giao thông công cộng ở Hà Nội trong 10 năm tới vẫn trông chờ vào xe buýt trong khi năng lực xe buýt cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng giới hạn.

Hà Nội hiện nay mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Hai tuyến này mới chỉ phục vụ được một bộ phận rất nhỏ người dân ngoài vành đai 3 nên chưa đủ cơ sở để hạn chế xe ô tô vào nội đô.

Thực tế, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng của Thủ đô Hà Nội quá chậm. Theo quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra từ những năm 1997 -2000 và 2002 – 2005, đến 2020 Hà Nội có 4 tuyến đường sắt đô thị đi vào khai thác đáp ứng được 30% đi lại của người dân, cùng với xe buýt sẽ đảm bảo đáp ứng 45 -50% nhu cầu đi lại bằng giao thông công cộng.

Tuy nhiên, thực tế các quy hoạch đưa ra, mức độ hoàn thành theo các giai đoạn rất thấp và cuối cùng cũng không ai chịu trách nhiệm.

Thứ hai, ranh giới đặt trạm thu phí, việc đặt đường vành đai 3 để thiết lập trạm thu phí là không phù hợp và cứng nhắc, bởi đây không phải lằn ranh của khu vực tắc đường.

Thực tế, ở nhiều khu vực bên ngoài vành đai 3 như khu vực đường Hồ Tùng Mậu, QL32, hay thậm chí Đường Tố Hữu, Nguyễn Trãi... hàng ngày mức độ ùn tắc còn kinh khủng hơn khu vực nội đô rất nhiều. Do vậy, nếu thu phí vào nội đô, các phương tiện dồn ứ, ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.

Hơn nữa, các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện… chủ yếu được bố trí trong nội đô, những người sống giáp ranh ngoài Vành đai 3 sẽ rất bất tiện khi đi lại do phải trả phí quá nhiều. Trong khi những người phía trong Vành đai 3 lại không mất phí. Thực tế này vô tình sẽ đẩy người dân tìm các mua nhà dồn vào nội thành.

Để giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội câu chuyện thu phí vào nội đô chỉ là 1 trong chuỗi nhiều giải pháp đồng bộ đi cùng. Trong đó phát triển giao thông công cộng để thay thế phương tiện cá nhân là ưu tiên số 1.