Hà Nội lên kế hoạch thay thế hơn 1000 xe buýt chạy xăng bằng xe điện

Thứ ba, 13/09/2022, 19:25 PM

Hà Nội lên kế hoạch xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, tiến tới thay thế, đầu tư 100% xe buýt mới sử dụng điện, năng lượng xanh.

UBND TP.Hà Nội đang giao Sở GTVT Hà Nội cùng phối hợp với các đơn vị xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane (khí mê-tan) của ngành GTVT.

Tại Việt Nam, xe buýt điện dần trở thành phương tiện giao thông tối ưu, là giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Theo các chuyên gia, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén…

Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; Xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh. Ở đô thị, ô nhiễm do các hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70%. Vì vậy, chính quyền và người dân cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, riêng trong 6 tháng đầu năm, các tuyến xe buýt điện đã vận chuyển hơn 122 triệu lượt hành khách và lượng khách đang không ngừng tăng lên. Trong đó, sau khoảng 9 tháng vận hành, 9 tuyến xe buýt điện đang ngày càng thu hút hành khách, với công nghệ hiện đại, dịch vụ tiện nghi và ưu thế kết nối các khu đô thị. Nhiều hành khách thời gian qua thường xuyên sử dụng buýt điện đều bày tỏ hài lòng về chất lượng dịch vụ, phục vụ như: Không gian rộng, sạch sẽ, hàng ghế được sắp xếp hợp lý, dễ quan sát cảnh quan bên ngoài, trang bị công nghệ hiện đại, an toàn...

 Hà Nội lên kế hoạch xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh ngành GTVT.

 Hà Nội lên kế hoạch xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh ngành GTVT.

Thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cũng cho thấy, với tổng số phương tiện gần 1.100 xe, Transerco đang vận hành 83 tuyến buýt đấu thầu và 1 tuyến buýt BRT đặt hàng. Từ năm 2016 đến nay, Transerco đã tập trung đầu tư gần 600 xe buýt mới tiêu chuẩn khí thải Euro 3, 4 để thay thế các phương tiện cũ. Số phương tiện dưới 5 tuổi hiện là khoảng 800 xe, chiếm trên 73% tổng số phương tiện.

Dự kiến, tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% đoàn phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2 - 4 năm kể từ khi đấu thầu lại.

Trước đó, Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Trong lĩnh vực giao thông đô thị, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.

Thực tế, giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường là những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống giao thông đô thị thông minh, hiện đại, an toàn. Do đó, việc mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống vận tải hành khách công cộng là giải pháp cần đẩy mạnh thực hiện tại các đô thị lớn của nước ta hiện nay.

Trên cơ sở mục tiêu đề ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane ngành GTVT, Transerco đề xuất TP.Hà Nội chỉ đạo xây dựng lộ trình triển khai xe buýt điện để các doanh nghiệp vận hành xây dựng phương án chuẩn bị; nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu kỹ thuật vận hành phù hợp với đặc điểm kỹ thuật của xe buýt điện và điều chỉnh định mức năng suất ngày xe đối với xe buýt điện không quá 250 km/xe/ngày.

Ngoài ra, thành phố cần có chính sách nhất quán và bố trí đủ nguồn ngân sách trợ giá, đảm bảo ổn định hàng năm cho mạng lưới xe buýt khi chuyển dần sang xe buýt điện, nhằm ổn định chất lượng dịch vụ mạng lưới vận tải hành khách công cộng. 

Transerco cũng đề nghị Sở GTVT báo cáo đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể là bố trí ngân sách hỗ trợ cho xe buýt công cộng và ban hành chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi vay đầu tư xe buýt điện, hạ tầng phục vụ xe buýt điện; chỉ đạo các công ty điện lực hỗ trợ phương án cung cấp nguồn điện công suất lớn vận hành các trạm nạp xe điện tại Depot, nhất là các điểm khẩn cấp trên đường.

Có thể thấy, để thực hiện mục tiêu phát triển các đô thị bền vững ở các quốc gia thì chuyển đổi năng lượng - từ sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo - và chuyển đổi các loại phương tiện giao thông - từ xăng, dầu sang điện của ngành giao thông vận tải - là xu hướng tất yếu. 

Tương tự, TP.HCM cũng đang nỗ lực tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để hướng người dân sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, phương tiện giao thông hiện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông của thành phố. 

“Ùn tắc giao thông kéo dài cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại thành phố. Vì vậy, sắp tới Thành phố chọn giải pháp đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt điện thân thiện với môi trường, bên cạnh các giải pháp đầu tư vào hệ thống tàu điện metro, tàu thủy… Đây là những giải pháp mang lại hiệu quả vượt trội, cơ bản giảm được khí thải từ phương tiện công cộng, giúp thành phố thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Xuân Mai - Đại học Bách khoa TP.HCM nhận định: Nếu so sánh với tàu điện ngầm hay xe buýt nhanh thì chi phí đầu tư cho xe buýt điện rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm lên tới 150 triệu USD/km. Cách thức để phát triển giao thông công cộng là phải đi từ xe buýt, xe buýt điện, tàu điện rồi mới tới tàu điện ngầm. Thành phố nên ưu tiên phát triển các loại hình xanh và sạch; với xe buýt thì nên ưu tiên các loại xe chạy khí CNG, chạy điện... Khả năng ứng dụng xe buýt điện là rất khả thi, đặc biệt là cho hệ thống xe buýt nhanh.