Hai kịch bản của thị trường bất động sản năm Tân Sửu 2021

Thứ sáu, 12/02/2021, 07:01 AM

Năm Tân Sửu 2021 đã đến dù trước mắt dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động xấu với nền kinh tế tuy nhiên các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp kinh doanh BĐS có thể tận dụng thời gian dịch bệnh như một cơ hội để tái cơ cấu và thay đổi chiến lược đầu tư.

Hai kịch bản của thị trường bất động sản năm Tân Sửu 2021 - Ảnh minh họa.

Hai kịch bản của thị trường bất động sản năm Tân Sửu 2021 - Ảnh minh họa.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia. Theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 15/9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.

Mới đây, Quốc hội đã họp phiên toàn thể biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 với mục tiêu năm 2021 tăng trưởng GDP là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người…

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, có 2 kịch bản sẽ xảy ra đối với thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2021, đó là:

Kịch bản thứ nhất, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên được đảm bảo (điều kiện tiên quyết là dịch bệnh được kiểm soát – theo nghĩa rộng không chỉ ở Việt Nam) thì thị trường BĐS sẽ phát triển ở mức cao hơn năm 2019, thậm chí sẽ có sự bùng nổ ở một vài phân khúc và thị trường khu vực nhất định.

Chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư dưới dạng các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí với hạ tầng tốt, được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, xây dựng theo hướng xanh – thông minh. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường. Năm 2021, thị trường có thể hy vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn.

Kịch bản thứ hai, khi các chỉ tiêu vĩ mô trên không được đảm bảo (tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới không thể kiểm soát), thị trường BĐS năm 2021 vẫn sẽ giữ được mức như năm 2020, dù một số phân khúc và thị trường (phụ thuộc nhiều vào khách du lịch) sẽ gặp nhiều trở ngại. Và nếu như không có sự can thiệp của Chính phủ và sự chủ động, thích ứng của doanh nghiệp, về lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường BĐS.

BĐS là tài sản nền tảng quan trọng của quốc gia và là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp “ham” đầu tư. Chắc chắn thị trường sẽ có cơ hội tăng giá và còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2021.

Tuy nhiên, khi tham gia vào lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh khó đoán định của kinh tế – xã hội giai đoạn tới, khó có thể “đón đầu làn sóng đầu tư” bằng cách nào.

Vì thế, cách tốt nhất là chủ động và tái cấu trúc để vượt qua khó khăn của đại dịch, và muốn vậy, phải có tầm nhìn dài hạn, đầu tư dài hạn. Khách hàng hiện nay đã trở nên khó tính hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm, họ đâu chỉ cần một nơi để ở? Đó phải là các sản phẩm xanh – thông minh, mang tính trải nghiệm và khám phá, thư giãn nhiều hơn là việc chỉ để ở.

Muốn vậy, doanh nghiệp trước hết cần tăng cường khâu nghiên cứu và phân tích thị trường, và cách tốt nhất là sử dụng đội ngũ tư vấn có chuyên môn sâu, am hiểu và có khả năng dự báo thị trường tốt.

Một việc quan trọng lúc này là tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, cần nghiên cứu cơ chế liên kết để cùng phát triển, thay vì cạnh tranh không lành mạnh hoặc làm ăn chộp giật, làm mất hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS nên cân nhắc lựa chọn những vùng đất mới, còn nhiều tiềm năng và dư địa để đầu tư.