Tình hình dịch sốt xuất huyết ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế diễn biến phức tạp

Thứ sáu, 18/10/2019, 09:17 AM

Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết tại các địa phương đang diễn biến hết sức phức tạp. Tính riêng tỉnh Quảng Nam và Quảng Bình cũng đã có hơn 10 nghìn ca mắc sốt xuất huyết.

hang-chuc-ca-mac-sot-xuat-huyet
Sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp.

Quảng Nam có gần 5 nghìn ca mắc sốt xuất huyết

Sáng ngày 18/10, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết tại địa phương này đang diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, địa phương này đã có 4.855 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 1,7 lần so với tổng số ca năm 2018.

Tất cả các huyện khác của tỉnh Quảng Nam đều ghi nhận xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết, trừ huyện miền núi Nam Trà My. Trong đó, Điện Bàn là địa phương mắc nhiều ca sốt xuất huyết nhất với 840 ca.

Theo Trung tâm này, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn và người già tăng cao hơn so với các năm, cũng như gia tăng số ca mắc ở thể nặng, rất nặng.

Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho hay, năm nay, tình hình sốt xuất huyết phức tạp và số ca mắc gia tăng hơn so với các năm trước.

"Chúng tôi vẫn đang chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, cơ sở y tế thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường các biện pháp truyền thông, vệ sinh môi trường, đặc biệt, ngăn ngừa ổ dịch bùng phát trở lại tại các ổ dịch đã được xử lý", ông Kiệm cho biết.

Thừa Thiên Huế: Giám sát thực địa, giám sát chỉ số bọ gậy tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân

Qua công tác giám sát, tổng hợp báo cáo ca bệnh sốt xuất huyết hằng ngày tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận số ca bệnh mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng cao tại phường Hương Sơ (TP Huế).

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình xử lý ca bệnh tại phường Hương Sơ.

Từ đầu năm đến nay, tại phường Hương Sơ ghi nhận 45 ca sốt xuất huyết. Ca bệnh tập trung chủ yếu tổ 3 và tổ 5, tất cả các ca bệnh đều là ca nội tại.

Đoàn kiểm tra đã đi giám sát thực địa, giám sát chỉ số bọ gậy tại khu vực xung quanh nhà bệnh nhân.

hang-chuc-ca-mac-sot-xuat-huyet
Kiểm tra bọ gậy trong các chậu cây. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Đoàn kiểm tra đã làm việc với lãnh đạo UBND phường, TYT Hương Sơ phối hợp cùng đưa ra các biện pháp nhằm khống chế không để xảy ra dịch trên toàn địa bàn.

Quảng Bình có gần 5.527 trường hợp mắc sốt xuất huyết

Hiện nay, tình hình sốt xuất huyết vẫn đang trong thời kỳ cao điểm, diễn biến phức tạp do thời tiết mưa nắng đan xen, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến ngày 15/10, toàn tỉnh ghi nhận 5.527 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, có 1 bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố, thị xã với 67 ổ dịch, tập trung chủ yếu tại huyện Bố Trạch có 1.396 người mắc, thị xã Ba Đồn 1.163 người mắc bệnh…

Tại các địa phương, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và huy động cả cộng đồng tham gia phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; công tác giám sát phát hiện xử lý các ổ dịch phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, không lơ là, chủ quan…

Do chủ động trước tình hình dịch sốt xuất huyết nên ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, thuốc; tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là tại các huyện có tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cao...

Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những xã thuộc 8/8 huyện, thành phố.

hang-chuc-ca-mac-sot-xuat-huyet
Phun hóa chất diệt muỗi.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống sốt xuất huyết vẫn gặp một số khó khăn, trở ngại như nhận thức của người dân về phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao, nhiều người còn chủ quan, coi đây là công việc của ngành Y tế.

Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng tránh như: Đậy kín tất cả những dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thay rửa dụng cụ chứa nước thường xuyên…

Người dân cần chủ động ngủ màn, mặc quần áo dài tay phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi trong gia đình có người xuất hiện các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị đúng phác đồ, không tự ý điều trị tại nhà…