Hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng thu ngoài tín dụng từ đâu?

Thứ tư, 15/03/2023, 06:37 AM

Nguồn thu nhập của ngân hàng (NH) đến từ hai hoạt động cụ thể là nguồn thu từ lãi và nguồn thu ngoài lãi. Nguồn thu từ lãi gồm các khoản thu từ hoạt động cho vay của NH, đây là nguồn thu chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn thu của NH. Ngoài ra, việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang mang về nguồn thu ngoài tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều nhà băng.

bao-hiem20230314101549

Việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) hiện rất phổ biến và mang lại nguồn thu "khủng" cho các nhà băng tại Việt Nam.

Bancassurance được hiểu như một thỏa thuận giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng thông qua kênh phân phối của các ngân hàng.

Theo tìm hiểu, từ năm 2018 đến nay, bancassurance trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhiều nhà băng. Theo Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về nguồn thu từ vài trăm lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ví dụ như: MB, VPBank, Techcombank, VIB, TPBank… các ngân hàng này đang thu nhiều lợi nhuận nhất từ hoạt động bancassurance. Cụ thể, trong năm 2022, MB là ngân hàng có nguồn thu lớn nhất từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm toàn hệ thống với 10.185 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2021.

Doanh thu từ hoạt động dịch vụ của MB đạt 14.243 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm chiếm khoảng hơn 70% trong tổng thu dịch vụ của MB.

Doanh thu từ bảo hiểm của MB tăng rất nhanh trong những năm trở lại đây. Năm 2019, doanh thu mảng này là 4.202 tỷ đồng, đến 2020 đã lên 5.849 tỷ đồng

Theo thuyết minh của MB, có được khoản lợi nhuận "khủng" từ hoạt động này là nhờ MB sở hữu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn cùng hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life. MB cũng đang là kênh phân phối bảo hiểm lớn nhất của MIC và MB Ageas Life với khoảng 85 - 90% doanh thu mỗi năm.

Xếp sau MB là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16.923 tỷ đồng, và thu từ kinh doanh bảo hiểm là 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Số thu từ bảo hiểm của VPBank chiếm 1/3 tổng thu nhập dịch vụ.

Được biết, VPBank ghi nhận khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.

Bán bảo hiểm cũng là nguồn thu quan trọng trong doanh thu từ hoạt động ngoài tín dụng của Techcombank.

Theo đó, trong năm 2022, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm trước.

Trong khi đó, hoa hồng bảo hiểm mà Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) nhận được trong năm 2022 là 1.303 tỷ đồng; chiếm gần 30% tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng ghi nhận khoản lãi khủng từ dịch bancassurance. Năm 2022, TPBank đạt 876 tỷ đồng từ bán bảo hiểm, giảm nhẹ 8% so với năm 2021. Đây là nhà băng hiếm hoi sụt giảm nguồn thu từ mảng bảo hiểm. TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life. Mặc dù, doanh thu dưới 1.000 tỷ đồng nhưng bảo hiểm vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động dịch vụ của TPBank.

Cũng liên quan đến việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, mới đây, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng chuyển đơn tố giác của người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife; Gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) thành bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam tới cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, không ít khách hàng cũng bày tỏ phản ứng khó chịu về tình trạng nhân viên ngân hàng chào mời, tư vấn khách mua bảo hiểm. Thậm chí, “ép” mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay. Câu chuyện này diễn ra với cả khách có tiền đi gửi lẫn khách có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Trước thực trạng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đang phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng. Hai cơ quan đã thống nhất lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kiến nghị của người dân về hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng.Đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước: 02438266344 hoặc 02439361017 - Email: [email protected]

Đường dây nóng của Bộ Tài chính: 02422208018

Email: [email protected]