HH Linh Đàm điển hình cho công trình xây dựng vi phạm nhưng bế tắc trong cách giải quyết

Thứ năm, 28/11/2019, 06:46 AM

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV các thảo luận tập trung tại hội trường xung quanh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nhiều đại biểu đã lấy dự án HH Linh Đàm như một điển hình cho công trình xây dựng vi phạm nhưng bế tắc trong cách giải quyết.

hh-linh-dam-dien-hinh-cho-cong-trinh-xay-dung-vi-pham-nhung-be-tac-trong-cach-giai-quyet
HH Linh Đàm điển hình cho công trình xây dựng vi phạm nhưng bế tắc trong cách giải quyết

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề cập một giải pháp để giải quyết vi phạm trật tự xây dựng. Theo ông Trí, thời gian vừa qua có rất nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, có nhiều công trình xây dựng không phép, có nhiều công trình xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng, sai với thiết kế được cấp có thẩm quyền thẩm định.

Để triển khai thực hiện cần có quy định ưu tiên nguồn lực ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng đô thị. Khi có quy định này, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm đầu tư các thiết bị như flycam, camera để thu thập hình ảnh các công trình đang xây dựng có phép cũng như các công trình xây dựng không phép vừa mới mọc lên. Các hình ảnh này sẽ được chuyển đến máy tính xử lý, so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn và đưa ra thông tin cảnh báo các công trình vừa mới vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Đồng tình, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, thực trạng đáng quan ngại mà báo cáo thẩm tra dự Luật chưa đề cập, đó là sự tồn tại thách thức dư luận và thể chế của các công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội.

Theo đại biểu, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của luật hiện hành cũng như dự luật này là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế. Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật,... mà báo cáo giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị đã nêu thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định đã bị xem thường.

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề cập đến việc cắt ngọn công trình xây dựng và ủng hộ phải xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong xây dựng. ĐB Trí cũng đề nghị quy định để công tác kiểm tra xây dựng nếu sai thì biết liền và xử lý ngay, không để muộn mới ra lệnh cắt ngọn. “Cử tri còn đề nghị nếu có công trình xây dựng sai thì trước hết phải kỷ luật những người có trách nhiệm đã để xảy ra những vi phạm đó. Chúng ta hy vọng từ nay trở đi sẽ không có biện pháp cắt ngọn vì có công trình xây dựng sai trái nữa”, ĐB nhấn mạnh…

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, việc quản lý trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng bên cạnh pháp luật về xây dựng còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh xây dựng đất đai...

Chính phủ cũng đã có kế hoạch để thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của QH đối với lĩnh vực xây dựng để tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động xây dựng hiện nay, trong đó có việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ở một số địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/hh-linh-dam-dien-hinh-cho-cong-trinh-xay-dung-vi-pham-nhung-be-tac-trong-cach-giai-quyet-143152.html