Hoa giấy Thanh Tiên mang ‘mùa xuân’ về trên đất Huế

Thứ bảy, 29/01/2022, 19:13 PM

Trong những ngày Tết Nguyên đán của dân tộc, các bông hoa giấy Thanh Tiên trông như hoa thật điểm tô cho ngày Tết thêm phần dư vị Tết xưa.

Chông hoa giấy rực rỡ sắc màu.

Chông hoa giấy rực rỡ sắc màu.

Cuộc sống hiện đại, bước ra chợ mua được biết bao nhiêu là hoa đẹp chưng Tết. Những bông hoa rực rỡ sắc màu với đa dạng chủng loại đã làm cho cái Tết ngày nay thêm phần hoành tráng, lung linh hơn.

Ở một góc nơi linh thiêng của các gia đình xứ Huế, những bông hoa giấy Thanh Tiên hiện diện trong những ngày Tết mang dư vị của Tết xưa, làm cho ngày Tết thêm phần ấm cúng.

Hoa giấy Thanh Tiên.

Hoa giấy Thanh Tiên.

Hàng trăm năm nay, Thanh Tiên được biết đến với làng nghề làm hoa giấy tinh xảo, tuyệt đẹp. Qua bàn tay của người thợ, những bông hoa giấy ra đời không khác hoa thật. Nơi đây thuộc xã Phú Mậu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người dân đục ra những bông hoa.

Người dân đục ra những bông hoa.

Bà Tâm cần mẩn làm hoa giấy.

Bà Tâm cần mẩn làm hoa giấy.

Có thể nói không quá rằng, chính loài hoa giấy ở ngôi làng Thanh Tiên góp phần làm cho Tết ở Huế thêm phần đậm đà bản sắc dân tộc. Những ngày giáp Tết, trên các nẻo đường, những chông hoa giấy theo người bán đi khắp nơi. Hình ảnh ấy như báo hiệu cái Tết đang về.

Từ những chông hoa ấy, người dân mua những bông hoa, rồi mang về nhà thay thế hoa cũ và cắm lên am thờ, trên bếp... trong ngày ông Táo về trời, Tết Nguyên đán.

Dịp Tết là thời điểm bận rộn nhất của người dân Thanh Tiên với công việc quen thuộc là làm những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu bằng thủ công với 5 màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh.

5
Rực rỡ sắc màu như hoa thật.

Rực rỡ sắc màu như hoa thật.

Đến ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những cành hoa giấy và cả những bông hoa vừa được đục xong đang chuẩn bị được bà Tâm ghép vào nhau, tạo thành bông hoa hoàn chỉnh.

Bà Tâm nhẹ nhàng nói, cái nghề này đã gắn bó với các thành viên trong gia đình bà đã hàng chục năm nay. Cứ đến dịp Tết, qua bàn tay của bà Tâm và chồng con bà Tâm, hàng nghìn bông giấy được mang bán khắp nơi.

Du khách chụp ảnh bên chông hoa.

Du khách chụp ảnh bên chông hoa.

Chia sẻ thêm về cái nghề này, người làm hoa giấy Thanh Tiên cho hay, từ tháng 10 Âm lịch, tre được họ chuẩn bị sẵn và mang đi phơi nắng. Sau khi trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, hoa giấy mới được ra đời.

Có hơn 30 năm làm hoa giấy Thanh Tiên, ông Nguyễn Văn Hiến chia sẻ rằng: “Làm nghề sản xuất hoa giấy này vất vả. Lí do là phải trải qua nhiều khâu vất vả, tỉ mỉ. Vào mỗi dịp Tết hằng năm, công việc bận rộn hơn bao giờ hết”.

8
Biết bao bông hoa giấy được ra đời.

Biết bao bông hoa giấy được ra đời.

Đang cặm cụi chẻ tre làm cành hoa, ông Nguyễn Hóa, người có hơn 40 năm theo nghề truyền thống này, thoăn thoắt chẻ ra những thanh tre để làm cành.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hóa kể rằng, năm 2000 trở về trước, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên có nguy cơ bị chững lại, do hoa nhựa phát triển mạnh. Sau mốc thời gian ấy, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống. Do vậy, hoa giấy được người dân nhiều nơi biết đến. Hoa giấy từng bước được vực dậy như ngày nay.

Con của ông Hóa làm hoa sen giấy.

Con của ông Hóa làm hoa sen giấy.

Ông Nguyễn Hóa nói rằng: “Theo quan niệm của người dân Huế, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do không dùng phân bón như hoa tươi hoặc dùng nhựa như hoa giả nên phù hợp trong việc thờ cúng. Ngoài ra, hoa giấy có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông. Tôi tin, hoa giấy sẽ không bị mai một...”.

Những năm gần đây, du khách tham quan ngôi làng này sẽ có thêm một phát hiện thú vị. Đó là bên cạnh những bông hoa giấy lâu nay thường thấy, họ tỏ ra thích thú và thán phục tài năng, sự khéo tay của người dân ngôi làng này khi nhìn vào những bông hoa sen giấy như hoa thật.

Hoa sen giấy trông như hoa thật.

Hoa sen giấy trông như hoa thật.

Chuyện là, sau thời gian dài thất truyền, hoa sen giấy đã xuất hiện trở lại. Hơn 13 năm trước, ông Thân Văn Huy (một họa sĩ, nghệ nhân trong làng) đã sáng tạo ra hoa sen giấy, khôi phục hoa sen giấy bị thất truyền hơn 60 năm. Rồi ông Huy tiến hành truyền nghề cho dân làng. Hoa sen khó làm hơn hoa giấy nên có ít người biết làm. Một người lành nghề làm ra được khoảng 15 - 20 bông/ngày.

12
13
Hoa giấy Thanh Tiên nổi danh hàng trăm năm qua.

Hoa giấy Thanh Tiên nổi danh hàng trăm năm qua.

Hoa giấy mang tính thời vụ (dịp Tết), còn hoa sen giấy làm quanh năm, nhất là dịp Tết. Ngoài việc dùng để thờ cúng, hoa sen giấy được dùng trang trí tạo điểm nhấn cho căn phòng.

Những cành hoa giấy rực rỡ làm cho khung ảnh thêm mùi Tết xưa. Ảnh: Anh Thắng.

Những cành hoa giấy rực rỡ làm cho khung ảnh thêm mùi Tết xưa. Ảnh: Anh Thắng.

Theo tìm hiểu, trong mỗi dịp Tết, ngôi làng chuyên làm nghề sản xuất hoa giấy Thanh Tiên cho ra hàng chục nghìn cặp bông giấy. Công việc này vừa giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, vừa kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống hằng ngày. Ngoài ra, cũng có một số người bỏ nghề do làm vất vả mà thu nhập cũng chỉ đủ sống…

Không gian nhà bà Tâm tràn ngập hoa giấy.

Không gian nhà bà Tâm tràn ngập hoa giấy.

Dù số lượng người dân còn theo nghề ít hơn so với trước, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngôi làng này trở thành một trong những nơi phát đi tín hiệu Tết đầu tiên trên mảnh đất Cố đô Huế. Những chông hoa giấy hiện diện khắp các con đường, ngõ nhỏ mang đến cho Tết ở Huế sắc màu riêng có.