Học giả quốc tế: Rất nguy hiểm nếu thế giới im lặng trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ bảy, 27/07/2019, 09:13 AM

Theo các học giả quốc tế, việc thế giới im lặng trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây nguy hiểm bởi nó khiến các biện pháp cưỡng chế thành công cụ tiêu chuẩn để đạt được mục tiêu của các quốc gia.

Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông. Ảnh AFP.
Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông. Ảnh AFP.

Sputnik ngày 26/7 dẫn lời tiến sĩ Collin Koh, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng cộng đồng quốc tế phải phản đối mạnh mẽ Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo tiến sĩ Collin Koh, nếu Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cộng đồng quốc tế không phản đối hành động của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục lặp lại các hành động tương tự trong những năm tới.

Ông Collin cho rằng, sự im lặng trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây nguy hiểm bởi nó khiến các biện pháp cưỡng chế trở thành công cụ tiêu chuẩn của các quốc gia khi muốn thực hiện mục tiêu của mình, làm gia tăng nguy cơ về bất ổn trong khu vực.

Bình luận về những phản ứng Trung Quốc có thể gặp phải khi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giáo sư Carlyle Thayer tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói: “Việc Trung Quốc có hành động gây bất ổn ở Biển Đông sẽ khiến Việt Nam lên tiếng vì một ASEAN thống nhất cũng như đưa các vấn đề liên quan ra thảo luận trong các diễn đàn đa phương”.

Ngoài ra, theo ông Thayer, các quốc gia như Mỹ, Anh hoặc Nhật Bản can thiệp với tư cách đơn phương lẫn trong các thể chế đa phương nhằm ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Năm 2020, Việt Nam sẽ giữ vai trò chủ tịch ASEAN cũng như thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của Trung Quốc.

Theo Sputnik, Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên hoàn toàn không nằm trong vùng biển tranh chấp. Vậy nhưng, Trung Quốc lại dùng “Đường 9 đoạn” mà nước này tự vẽ ra để đòi chủ quyền.

Nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Bãi Tư Chính.

Trước những hành động vi phạm của Trung Quốc, Việt Nam đã có phản ứng gay gắt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/7 nhấn mạnh: "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".

Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.

Bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: "Duy trì hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại UNCLOS 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”.

 

Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ: Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel ngày 26/7 đã ra tuyên bố về can dự của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam quản lý. Tuyên bố cho biết Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

 

Trung Quốc dùng ‘giờ vàng’ đăng loạt bản tin lên án biểu tình Hong Kong

Người dân Trung Quốc đại lục dường như chỉ có thể tiếp cận tin tức về Hong Kong qua các phương tiện truyền thông nhà nước nên họ có xu hướng hiểu chưa đầy đủ về biểu tình Hong Kong, Alfred Wu, phó giáo sư tại trường chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nhận định.

 

Chiến lược vùng xám là gì? Trung Quốc đã vận dụng nó ở Biển Đông như thế nào?

Gần đây, các chuyên gia thường dùng "Chiến lược vùng xám" để nhắc đến động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Vậy chiến lược vùng xám là gì?