Hôm nay 5/9, học sinh cả nước dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019

Thứ tư, 05/09/2018, 06:59 AM

Hôm nay 5/9, gần 24 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ tham dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019.

Năm học 2018-2019 ghi nhận số lượng học sinh, sinh viên trên cả nước tăng mạnh (hơn 2 triệu so với năm học 2018-2018), với tổng số gần 24 triệu, trong đó riêng số lượng học sinh tiểu học đã là 8.359.000. 

Năm nay này cũng đánh dấu là năm bản lề, khi toàn ngành giáo dục bắt đầu cuốn chiếu từ lớp 1 để bước sang năm 2019-2020 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Hôm nay 5/9, thầy và trò trên cả nước sẽ cùng dự Lễ Khai giảng bắt đầu năm học mới. Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, Lễ khai giảng tại các trường đều được tổ chức đơn giản, ngắn gọn, trang nghiêm.

hom-nay-59-gan-24-trieu-hoc-sinh-tren-ca-nuoc-du-le-khai-giang-buoc-vao-nam-hoc-2018-2019
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư chúc mừng năm học mới

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi thư chúc mừng năm học mới

Kính gửi: Các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em sinh viên, học sinh. 

Trong không khí vui tươi của ngày khai giảng năm học mới 2018-2019, tôi gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em sinh viên, học sinh cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. 

Năm học vừa qua, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic và các cuộc thi khoa học - kỹ thuật khu vực, quốc tế đều đạt giải cao, được bạn bè quốc tế mến phục. Nước ta lần đầu tiên có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. 

Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân. 

Tôi mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sang tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà. 

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục cùng các em sinh viên, học sinh đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới. 

hom-nay-59-hoc-sinh-ca-nuoc-du-le-khai-giang-nam-hoc-2018-2019
Hòa trong không khí khai giảng đầu năm học 2018 - 2019, trong niềm vui chung của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, sáng ngày 5/9, ông Vũ Oanh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã đến dự lễ khai giảng, động viên thầy và trò Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội). Ảnh Hồng Lĩnh.

Bộ GDĐT yêu cầu khai giảng ngắn gọn, hướng đến học sinh

hom-nay-59-gan-24-trieu-hoc-sinh-tren-ca-nuoc-du-le-khai-giang-buoc-vao-nam-hoc-2018-2019
Ảnh minh họa

Bộ GDĐT đề nghị Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo khẩn trương hoàn thành việc bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, ưu tiên các hạng mục như phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp; phấn đấu bước vào năm học mới, các trường học có nhà vệ sinh và công trình nước sạch đảm bảo yêu cầu.

Tham mưu rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên/lớp đối với các cấp học; đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng giáo viên theo môn học.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động các cơ sở giáo dục trên địa bàn, trong đó chú trọng hoạt động thu, chi đầu năm học, bảo đảm các khoản thu đúng quy định hiện hành; khắc phục triệt để tình trạng lạm thu; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục xảy ra vi phạm.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nhanh chóng ổn định kế hoạch năm học, đảm bảo nội dung chương trình giáo dục theo quy định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử theo quy định của Bộ GDĐT.

Bộ GDĐT yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp học; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đầu cấp nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập và rèn luyện mới.

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống của nhà trường. Phổ biến nội quy; bộ quy tắc ứng xử; quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh về học lực, hạnh kiểm và các quy định khác của nhà trường. Tổ chức cho học sinh trực tiếp tham gia lao động, vệ sinh trường, lớp học, công trình vệ sinh trong trường học…

Lễ Khai giảng năm học 2018-2019 được tổ chức thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày 05 tháng 9 năm 2018. Chương trình khai giảng ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm. Đối với cấp học Mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Bộ GDĐT cũng lưu ý, việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; bảo đảm thiết thực, hiệu quả  để tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh. Các hoạt động cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự quản của học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, gây quá tải cho học sinh.

Hà Nội: Sẵn sàng cho năm học mới

hom-nay-59-gan-24-trieu-hoc-sinh-tren-ca-nuoc-du-le-khai-giang-buoc-vao-nam-hoc-2018-2019
Ảnh minh họa

*Cấp Mầm non: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ

Với nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp MN theo hướng tạo môi trường thiên nhiên xanh, đạt chuẩn hóa, hiện đại hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDMN; xây dựng đội ngũ CBQL, GVMN đáp ứng yêu cầu đổi mới; thực hiện công bằng trong GDMN, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhằm phát triển toàn diện và hình thành kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, chuẩn bị tốt cho trẻ học phổ thông, năm học 2018-2019, cấp học MN đề ra 9 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện có hiệu quả chương trình năm học.

*Cấp tiểu học: Đa dạng hóa các loại hình trường học

Trên cơ sở thực tiễn địa phương, xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới và phát triển giáo dục đào tạo, năm học 2018-2019, cấp tiểu học sẽ tập trung vào thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng quản lý các cơ sở giáo dục, thực hiện nghiêm túc phương châm “Bám sát cơ sở, kỷ cương nghiêm, chất lượng thực, hiệu quả cao”. 100% các phòng GD&ĐT, các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, phấn đấu 75-80% trường đạt CQG. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của cấp học đủ số lượng, đảm bảo chất lượng đội ngũ nâng cao cân đối giữa các vùng miền. Đa dạng hóa các loại hình trường học phục vụ đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo vươn tới chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, cấp tiểu học sẽ chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, đẩy mạnh đào tạo trình độ trên chuẩn: 100% đối với cán bộ quản lý và 95% đối với giáo viên. Đánh giá chuẩn nghề nghiệp cán bộ quản lý: Xuất sắc 85%, khá 15%. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Xuất sắc 75%, khá 20%. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hàng năm. Tham mưu với các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, đổi mới cơ chế chính sách, chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên.

* Cấp THCS: Kết hợp hợp lý giữa hình thức thi tự luận với trắc nghiệm khách quan

Năm học 2018 – 2019, một trong những điểm mới của cấp THCS là thí điểm chương trình tú tài phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc – chứng chỉ A level của Cambridge tại 7 trường: quận Cầu Giấy (THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân), quận Tây Hồ (THCS Chu Văn An), quận Thanh Xuân (THCS Thanh Xuân), quận Hoàn Kiếm (THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Trưng Vương), THCS chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp THCS là thực hiện tốt các phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực, chuẩn bị tốt việc đổi mới thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020, đồng thời đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh. Cấp THCS cũng triển khai đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025.

* Cấp THPT: Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh

Năm học 2018 – 2019, cấp THPT tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và cá nhân thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó là nhiệm vụ phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên "nghiên cứu khoa học"; nâng cao năng lực của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, hội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh.

Ngành GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ tham mưu cho chính quyền các cấp ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT vì đây là cấp học có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho 2 huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp, điều kiện kinh tế khó khăn là Phú Xuyên và Ba Vì. Rà soát quỹ đất công để bổ sung quỹ đất và giải pháp nâng tầng so với quy định cho các trường thuộc các quận nội thành.

*Ngành học Giáo dục thường xuyên- chuyên nghiệp: Đa dạng hóa các chương trình, nội dung đào tạo

Năm học 2018-2019, ngành học Giáo dục thường xuyên- chuyên nghiệp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động. Trong đó, các Trung tâm GDNN-GDTX chú trọng đa dạng hóa các chương trình, nội dung dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, giáo dục khởi nghiệp đáp ứng mọi đối tượng người học; mở rộng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, góp phần phân luồng học sinh sau THCS, nâng cao chất lượng dạy nghề nghiệp phổ thông cho học sinh THCS, THPT… Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập, các trung tâm chủ động phối hợp UBND cấp xã, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan trên địa bàn tổ chức điều tra, khảo sát, mở các lớp dạy văn hóa cho đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, người lao động trong khu công nghiệp, chế xuất; tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như: giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, phổ biến kiến thức khoa học, pháp luật cho cán bộ công chức, học sinh, sinh viên và người lao động…

Tiếp tục thực hiện kế hoạch “Xóa mù chữ đến năm 2020 Thành phố Hà Nội”, các trung tâm GDNN-GDTX phối hợp với phòng GD&ĐT, Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp xóa mù chữ gắn với phát triển cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng dạy học cũng như công tác xóa mù chữ…

TP. HCM: Không được phát Quốc ca khi chào cờ khai giảng bằng băng ghi âm

Sở GDĐT TP.HCM yêu cầu tất cả các trường ngày khai giảng 5/9 phải tổ chức ngắn gọn, súc tích, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới.

Ở phần Lễ phải tổ chức trang trọng, súc tích, ngắn gọn với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đánh trống trường và khen thưởng cá nhân, tập thể...

Đặc biệt, Sở lưu ý khi hát Quốc ca, các trường không được sử dụng băng ghi âm lời bài hát, diễn văn của hiệu trưởng phải ngắn gọn, không báo cáo thành tích. Ngoài ra, không mời các lãnh đạo phát biểu tại buổi lễ mà chỉ đọc thư Chủ tịch nước nhân ngày khai trường.

Phần “Hội”, các trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, sinh hoạt tập thể tươi vui, sinh động, lành mạnh nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh.