Khải Sơn 1: Tên lửa phòng không cho nước nghèo (1)

Chủ nhật, 18/11/2018, 05:09 AM

Quá trình nghiên cứu phát triển tổ hợp tên lửa phòng không Khải Sơn 1 đã gặp rất nhiều trắc trở.

 

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Xe bệ phóng của tổ hợp KS-1A.

Nhu cầu tên lửa phòng không của nước nghèo

Đối với các quốc gia có nền kinh tế chưa phát triển, thì bài toán phòng không trở nên khó giải quyết: Lực lượng không quân ít ỏi không thể đủ sức bảo vệ vùng trời, trong khi đó, các loại tên lửa phòng không tầm trung - xa thì lại đắt đỏ không kém gì máy bay chiến đấu.

Đa số các quốc gia này phải bằng lòng với các loại tên lửa phòng không vác vai, và các loại pháo cao xạ cỡ nhỏ, với tầm bắn ngắn và độ chính xác không cao. Điều này tạo ra bất lợi lớn về mặt chiến lược và chiến thuật khi xảy ra chiến tranh: Không quân đối phương dễ dàng khống chế vùng trời, tự do oanh kích các cụm binh lực và cơ sở hạ tầng trên mặt đất, mặt biển.

Nhìn rộng ra, thì các tên lửa vác vai, hay các loại pháo cao xạ tầm ngắn là không đủ để tạo ra một thế trận, một mạng lưới phòng không quốc gia đúng nghĩa, với các đài radar cảnh giới, các trận địa hỏa lực… đủ sức đương đầu với một cuộc tập kích đường không. Do đó, việc sở hữu một hệ thống phòng không tầm trung đúng nghĩa trong biên chế quân đội là điều đặc biệt cần thiết với các quốc gia này. Bắt đầu là các hệ thống tầm trung để bảo vệ các mục tiêu chiến lược, sau đó các quốc gia này có thể sở hữu thêm các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa để hoàn thiện thế bố trí đội hình, đảm bảo hỏa lực đánh địch được ở mọi độ cao, mọi cự li trên toàn bộ không phận quốc gia.

Thị trường hỏa khí phòng không đã thay đổi, khi những nhà sản xuất Trung Quốc tung ra dòng tên lửa phòng không tầm trung - xa giá rẻ Khải Sơn 1 (KS-1). Với lợi thế giá cả, Khải Sơn 1 đảm bảo cho các nước nghèo khả năng sở hữu những tổ hợp tên lửa phòng không “thực thụ” đầu tiên, để bước đầu xây dựng mạng lưới, thế trận phòng không.

Lịch sử phát triển

Khải Sơn 1 là tên gọi phiên bản xuất khẩu của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung - xa Hồng Kỳ 12 (HQ-12), được nghiên cứu sản xuất bởi Công ty công nghiệp hàng không Giang Nam (căn cứ 061), Trung Quốc. Chương trình KS-1 được khởi động từ những năm 1980, để thay thế cho những tổ hợp tên lửa Hồng Kỳ 2 (HQ-2, được phát triển dựa trên tổ hợp tên lửa S-75/SAM-2 của Liên Xô) đã lạc hậu.

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Bắn thử tổ hợp tên lửa HQ-12

Những khó khăn về kĩ thuật, cũng như do hoàn cảnh chính trị đương thời của Trung Quốc đã khiến cho chương trình KS-1 gặp rất nhiều khó khăn. Mãi đến năm 1989, tên lửa mới được bắn thử lần đầu, và sau đó hai năm được đưa ra mắt công chúng ở Triển lãm hàng không Paris 1991. Vào thời điểm đó, KS-1 sử dụng bệ phóng cố định tương tự như HQ-2, radar bám bắt mục tiêu của tổ hợp gặp nhiều vấn đề, hiệu suất chiến đấu tệ hại đến mức không thể chấp nhận được. Vì lẽ đó, mặc dù quá trình phát triển KS-1 đã hoàn tất vào năm 1994, nhưng tên lửa cũng không thu hút được khách hàng.

Cuối thập niên 1990, việc cải tiến KS-1 được tiếp tục. Đến năm 1998, phiên bản KS-1A được ra mắt ở triển lãm hàng không Chu Hải, và là một sự “lột xác” hoàn toàn so với KS-1, khi trở thành một tổ hợp phòng không bán cố định trên khung gầm xe tải quân sự 6x6. KS-1A cũng được trang bị radar kiểu mới, dựa trên công nghệ mà Trung Quốc được từ tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga.

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Tổ hợp HQ-12 trong biên chế quân đội Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm Khải Sơn 1A từ giữa thập niên 1990, song không hoàn toàn hài lòng với loại tên lửa này. Nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (01/08/2007), xe bệ phóng cơ động và xe đài điều khiển tên lửa của tổ hợp đã được trưng bày tại Bảo tàng quân đội cách mạng Trung Hoa, dưới tên gọi Hồng Kỳ 12, điều này cho thấy loại tên lửa này đã được chấp nhận trang bị trong quân đội Trung Quốc.

Tính năng và thông số kĩ thuật

Một tiểu đoàn KS-1A tiêu chuẩn bao gồm đài điều khiển hỏa lực kiểu SJ-202, hoặc kiểu H-200, cùng 4-6 xe phóng (TEL), với 2 đạn tên lửa sẵn sàng trên mỗi xe. Tương ứng với mỗi xe phóng sẽ có một xe tiếp đạn. Ngoài ra, tiểu đoàn tên lửa phòng không Khải Sơn còn có trang thiết bị đi kèm như xe máy phát điện, xe chở đạn, xe kiểm tra đạn … cùng các xe khí tài đảm bảo chiến đấu khác. Cơ số đạn tên lửa là 24 quả, trong đó có từ 8-12 đạn sẵn sàng phóng.

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Cơ cấu ray treo đạn tên lửa của KS-1

Cơ cấu phóng của tổ hợp KS-1 là một dấu hỏi lớn với các nhà kĩ thuật. Ban đầu, phiên bản KS-1 sử dụng bệ phóng cố định, tương tự như loại HQ-2 cũ. Hai tên lửa sẽ được đặt trên hai thanh ray khởi động nghiêng. Độ nghiêng của hai thanh ray này được điều chỉnh bởi hệ thống thủy lực.

Mặc dù KS-1A đã được cải tiến thành tổ hợp tên lửa bán cố định, song cơ cấu phóng dưới dạng ray treo vẫn được giữ lại như một “di sản” đáng buồn, hơn là một giải pháp kĩ thuật ưu việt. Bởi lẽ, điều này gây ra nhiều khó khăn cho quá trình phóng tên lửa: Động cơ tên lửa phải được khởi động trước khi các hệ thống treo bung ra, nếu không tên lửa sẽ rơi ngay trên đầu xe bệ phóng. Tương tự như vậy, việc tái nạp tên lửa cũng sẽ rất khó khăn do thiết kế kiểu này. Mặt khác, các tên lửa của tổ hợp KS-1A không được đặt trong ống bảo quản, điều này càng làm tăng tỉ lệ rủi ro cho cơ cấu ray treo kì dị, khi mà các xe bệ phóng phải liên tục cơ động. Đã có một phiên bản KS-1A sử dụng ống phóng hình hộp, song không được chấp nhận sử dụng rộng rãi.

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Phiên bản KS-1 sử dụng ống bảo quản hình hộp
khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Bắn thử đạn tên lửa KS-1

Về đạn tên lửa, Khải Sơn 1A sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, dài 5,6m, sải cánh 1,2m, đường kính 400mm, nặng 886kg. Tên lửa được điều khiển bằng radar bán chủ động: Radar dẫn bắn phát sóng về phía mục tiêu, đầu dò trên tên lửa bám theo tín hiệu dội về từ mục tiêu, để chuyển hóa thành lệnh điều khiển tên lửa. Tên lửa có thể đạt tốc độ tối đa là 1.200m/s, và có thể chịu quá tải 20G. Với đầu đạn nổ mảnh nặng đến 100kg, tên lửa có thể sát thương mục tiêu trong bán kính 50m.

Nhiều loại radar dẫn bắn đã được phát triển cho tổ hợp tên lửa HQ-12. Ban đầu, tổ hợp sử dụng radar bám bắt mục tiêu SJ-202. Được cho là loại radar mảng pha 3 tham số đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, SJ-202 có vẻ ngoài rất giống với đài điều khiển tên lửa SNR-75 của tổ hợp S-75 cũ. Trên lí thuyết, SJ-202 có tầm phát hiện mục tiêu là 115km, tầm bám bắt mục tiêu là 80km, dẫn bắn tên lửa ở cự li 50km. Radar SJ-202 hoạt động ở băng tần G, có thể đồng thời điều khiển 6 tên lửa tấn công 3-6 mục tiêu khác nhau, cũng như tương thích với các hệ thống HQ-2 đang có trong biên chế của quân đội Trung Quốc. Mặc dù vậy, SJ-202 tỏ ra có nhiều hạn chế về kĩ thuật, dẫn đến sự thất bại của KS-1 đời đầu.

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Radar SJ-202 có vẻ ngoài khá giống đài SNR-75 Fan Song

Vì lí do đó, đài radar điều khiển hỏa lực H-200 đã được phát triển để trang bị cho Khải Sơn 1A. Đây là một loại radar mảng pha 3 tham số, được xem là bản sao của loại radar quét mảng pha điện tử AN/MPQ-53 của tổ hợp tên lửa phòng không Patriot (Mỹ). H-200 cũng hoạt động ở băng tần G, có tầm phát hiện mục tiêu 120km, tầm theo dõi mục tiêu 90km, tầm dẫn bắn tên lửa 45km. H-200 có thể dẫn bắn đồng thời 6 tên lửa tấn công vào 3 mục tiêu khác nhau.

Về tính năng kĩ chiến thuật, tổ hợp Khải Sơn 1 có thể sát thương mục tiêu bay với tốc độ dưới 750m/s, quá tải từ 4-5G, ở độ cao từ 300m đến 27km, trong vùng cự li từ 7-50km tính từ trận địa phóng. Cụ thể: với các mục tiêu có tốc độ dưới 320m/s, cự li tiêu diệt lên đến 50km; với các mục tiêu có tốc độ dưới 420m/s, cự li tiêu diệt lên đến 42km; còn với các mục tiêu có tốc độ dưới dưới 720m/s, cự li tiêu diệt giảm xuống chỉ còn 38km. Các radar dẫn bắn của tổ hợp có thể phát hiện các mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng (RCS) từ 2m2 trở lên, nên Khải Sơn 1 chủ yếu được sử dụng để chống lại các máy bay phản lực và máy bay trực thăng, cũng như trong chừng mực hạn chế có thể bắn hạ các tên lửa hành trình. Xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng 1 đạn tên lửa là 89%.

khai-son-1-ten-lua-phong-khong-thuc-thu-cho-nguoi-ngheo-1
Đài radar H-200 của tổ hợp KS-1

Khải Sơn 1 có thể hoạt động ổn định ở độ cao từ 0 đến 3.000m tính từ mực nước biển, trong điều kiện nhiệt độ từ -40 độ C đến 50 độ C, độ ẩm dưới 89%, và tốc độ gió dưới 20m/s. Thời gian triển khai tổ hợp để sẵn sàng phóng là 30 phút, thời gian thu hồi tổ hợp để thoát li khỏi trận địa là 20 phút

Trải qua nhiều cải tiến, phiên bản Khải Sơn 1A đã mở rộng vùng diệt mục tiêu từ 5-50km tính từ trận địa phóng. Phiên bản Khải Sơn 1C thậm chí còn có tầm bắn diệt mục tiêu máy bay cánh cứng lên đến 70km, tầm bắn diệt mục tiêu tên lửa hành trình lên đến 30km, độ cao diệt mục tiêu từ 300m đến 27km.

 

Đến hết 2018, Nga có 27 trung đoàn tên lửa S-400 sẵn sàng chiến đấu

Nước Nga gần như đã hoàn thành kế hoạch biên chế 28 trung đoàn S-400 để bảo vệ vùng trời.

 

Tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc lần đầu khoe tên lửa dưới bụng

Trung Quốc lần đầu tiên cho cả thế giới thấy tiêm kích tàng hình J-20 chất đầy tên lửa dưới bụng, trong ngày bế mạc triển lãm hàng không Chu Hải năm 2018.