Khởi tố vụ án nam tiếp viên hàng không, tại sao không khởi tố vụ Bệnh nhân số 17?

Thứ năm, 03/12/2020, 15:07 PM

Việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án liên quan đến nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines làm lây lan bệnh dịch khiến nhiều người đặt câu hỏi có công bằng không khi việc liên quan đến Bệnh nhân số 17 không bị khởi tố?

Toàn cảnh buổi họp báo khởi tố vụ án nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Dân Trí).

Toàn cảnh buổi họp báo khởi tố vụ án nam tiếp viên hàng không làm lây lan dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Dân Trí).

Ngày 3/12, Công an TP HCM phối hợp với Sở TT&TT tổ chức họp báo cung cấp thông tin khởi tố vụ án hình sự “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" tại TP HCM.

Đây là động thái được đưa ra sau vụ việc nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342", đã vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly làm lây lan bệnh dịch ra ngoài cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Vi phạm cách ly hay khai báo gian dối nguy hiểm hơn?

Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án liên quan đến nam tiếp viên hàng không Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342" cũng gây ra nhiều ý kiến bàn tán. Trong đó, nhiều ý kiến thắc mắc rằng, tại sao vụ việc Bệnh nhân số 17 - Nguyễn Hồng N.. không được khởi tố?

Nhiều người cho rằng, xét về mức độ vi phạm phòng chống dịch, hay việc lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng của 2 trường hợp bệnh nhân này đều nguy hiểm và gây bức xúc dư luận. Trong đó, một người là vi phạm cách ly, một người thì khai báo gian dối... 

Về trường hợp nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines - "Bệnh nhân 1342": Bệnh nhân được xác định đã vi phạm quy định tại khu cách ly riêng của Vietnam Airlines. Trong khi quy định những thành viên thuộc từng tổ bay khi về nước phải cách ly, không được tiếp xúc với nhau, nhưng nam tiếp viên này (về từ Nhật Bản) đã đi sang khu cách ly khác, sau đó bị nhiễm bệnh từ một bệnh nhân thuộc một tổ bay về từ Rumani.

Khi được về nhà cách ly, nam tiếp viên này tiếp tục vi phạm quy định, tiếp xúc gần với nam giáo viên 32 tuổi của trung tâm Anh ngữ Key English, gặp mẹ (ngụ huyện Hóc Môn), người phụ nữ (trú Bình Thạnh) và bạn nam (ở quận 6)... Hiện, bệnh nhân 1342 là nguồn lây COVID-19 cho 3 người khác ngoài cộng đồng gồm các bệnh nhân 1347, 1348, 1349.

Ngoài ra, trong thời gian tự cách ly tại nhà trên đường Bạch Đằng, quận Tân Bình, bệnh nhân 1342 đã nhiều lần ra ngoài để ăn trưa và đi học.

Theo đó, BN1342 đã rời khỏi nhà và ra ngoài ăn trưa vào ngày 21/11. Sáng và chiều 22/11, BN đã đến học tại Trường Đại học Hutech.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng BN1342 đã vi phạm nghiêm trọng các biện pháp cách ly tập trung cũng như tại nhà và trở thành nguồn lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Bệnh nhân số 17: Từ tháng 2/2020, cô gái này đã đi qua nhiều quốc gia vùng dịch như: Italy trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại châu Âu.

Cơ quan chức năng cũng xác định, bệnh nhân khai báo gian dối. Cụ thể, N.H.N. đã sử dụng 2 hộ chiếu là hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu Anh trong quá trình di chuyển ở châu Âu và về Việt Nam.

Ngày 15/2/2020, N.H.N sử dụng hộ chiếu Việt Nam để làm thủ tục hàng không và xuất cảnh trên chuyến bay VN0055 theo hành trình từ Nội Bài sang Anh.

Trong thời gian di chuyển tại châu Âu, N. sử dụng hộ chiếu Anh để tiện di chuyển, trong đó cô này đã đi qua Ý - nơi bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất châu Âu thời điểm đó. Công dân anh có thể tự do đi lại ở các nước châu Âu mà không cần visa.

Bệnh nhân số 17 bị dư luận chỉ trích rất nhiều. (Ảnh: IT).

Bệnh nhân số 17 bị dư luận chỉ trích rất nhiều. (Ảnh: IT).

Sau khi đi khắp châu Âu, N. dùng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh về nước trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài hôm 2/3/2020. Sau khi đi qua khu vực kiểm dịch y tế, đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, Công an Cửa khẩu Nội Bài đã kiểm tra kỹ các trang của hộ chiếu, không phát hiện có dấu kiểm chứng nhập, xuất cảnh của Italy cho nên đã giải quyết nhập cảnh bình thường, không phát hiện được hành khách này đã đi qua vùng dịch. Không chỉ vậy, trong lời khai y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam, N. đã không khai đúng sự thật.

Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết: “Khi hành khách khai báo xong, chúng tôi có phỏng vấn, điều tra thêm nhưng người này vẫn khẳng định đi từ Anh về chứ không đi qua các nước khác”, ông Tuấn khẳng định.

Thực tế, CDC Hà Nội chỉ phụ trách việc kiểm tra tờ khai y tế tại sân bay, còn việc kiểm tra hộ chiếu thì do An ninh cửa khẩu Nội Bài thực hiện.

Sau khi Hà Nội ghi nhận bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19, ít lâu sau người bác của bệnh nhân và lái xe của gia đình cũng bị xác định dương tính và là những ca bệnh số 19 và 20.

Về hệ lụy, bệnh nhân số 17 cũng là ca bệnh lây nhiễm ngoài cộng đồng ở Hà Nội trong bối cảnh Thủ đô 22 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Các sinh hoạt của TP lúc đó gần như đảo lộn, cả khu phố Trúc Bạch phải cách ly 2 tuần, hơn 500 người của bệnh viện Hồng Ngọc - nơi bệnh nhân số 17 đến khám đã phải cách ly...

Điều đáng nói hơn, sau khi được các y bác sĩ tại quê nhà chữa khỏi bệnh, thì cặp chị em "số 0 làng mốt" này còn có những phát ngôn dậy sóng trên một tờ báo của Mỹ và so sánh cách phòng dịch của Việt Nam và thế giới...

Đủ cơ sở để xử lý với bệnh nhân số 17?

Trao đổi với PV, một số luật sư nhìn nhận hành vi vi phạm quy định cách ly của nam tiếp viên hàng không hay việc khai báo gian dối của bệnh nhân số 17 đều gây ra hậu quả với mức độ nghiêm trọng tương đương nhau và đều đáng lên án.

Trong khi nam tiếp viên vi phạm không tuân thủ cách ly, thì bệnh nhân số 17 thậm chí đã đi qua vùng dịch nhưng gian dối không khai báo... thì mức độ thậm chí còn nặng hơn.

Nhận định về hành vi của cô gái số 17, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) từng phân tích trên báo Pháp luật TP HCM trong bài viết "Cô gái nhiễm COVID và dấu hiệu khai báo y tế gian dối" cho hay: Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Mặt khác, Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Đây là các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì hành vi “Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Do đó, các hành vi trốn tránh các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đều bị xử lý. Tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự.

Theo điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định “Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

Còn người nào “Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP), đồng thời bị áp dụng biện pháp “buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế”.

Về trách nhiệm hình sự, theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015, người nào thực hiện “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm. Nếu hậu quả làm chết người thì khung hình phạt là bị phạt tù 5-10 năm. Nếu hậu quả làm chết hai người trở lên thì khung hình phạt là bị phạt tù 10-12 năm (Điều 240 BLHS).

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Cũng theo luật sư Đức Chánh, ngày 28/2/2020, Chính phủ Việt Nam ra quyết định tất cả công dân Ý và Iran khi nhập cảnh Việt Nam phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Ngày 29-2-2020, Bộ Y tế đã gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế về việc thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Iran và Ý. Theo đó, đối tượng phải khai báo y tế là khách nhập cảnh đến hoặc đi qua Iran và Ý, địa điểm áp dụng tại tất cả các cửa khẩu.

Từ những phân tích trên, luật sư Chánh cho rằng: “Để xác định hành vi của N. có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải xác định vào thời điểm nhập cảnh vào Việt Nam (ngày 2/3/2020) thì N. có khai báo việc mình đã từng đến Ý không? Nếu N. khai báo không trung thực để nhằm tránh việc bị cách ly hoặc áp dụng biện pháp y tế để phòng dịch COVID-19 thì có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật”.

Trả lời tại buổi họp báo, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TP HCM thông tin: Ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng ở TP HCM, Công an thành phố đã tiến hành xác minh điều tra, xác định có dấu hiệu, hành vi lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người khác.

Trên cơ sở điều tra ban đầu, Công an thành phố xin ý kiến Bộ Công an, lãnh đạo thành phố, Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 TPHCM. Căn cứ các quy định pháp luật, Công an TP HCM quyết định khởi tố vụ án hình sự "làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người". Cơ quan An ninh điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quyết định số 02 ngày 3/12.

Theo Phó Giám đốc Công an TP HCM: Sau khi khởi tố vụ án, Công an TP sẽ có kế hoạch điều tra một cách toàn diện để xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan và sẽ cá thể hóa hình sự các cá nhân liên quan.

Việc khi nào khởi tố bị can, ai là bị can, cần phải tiếp tục điều tra làm rõ. Trong đó có một số người liên quan hiện đang chữa bệnh, cách ly nên phải tuân thủ về phòng chống dịch bệnh bên cạnh tuân thủ pháp luật.

Từ việc khởi tố vụ án này, ông Nguyễn Sỹ Quang đánh giá thêm: "Tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện đang rất phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia. Chỉ cần một cá nhân chủ quan, thiếu ý thức, trách nhiệm, đặc biệt thiếu kiến thức về pháp luật sẽ xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, vụ việc này phải được xử lý nghiêm khắc bằng chế tài hình sự".

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Trung tâm báo chí TP HCM nhìn nhận, đây là sự việc mà dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Cần phải răn đe, giáo dục đối với những đối tượng coi thường kỷ luật, kỷ cương về cách ly; coi thường tính mạng của người dân. Đây cũng là yêu cầu chung, xuyên suốt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP HCM.