Không khí Hà Nội ở mức rất xấu

Thứ ba, 05/01/2021, 14:15 PM

Nhiều điểm quan trắc chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn Hà Nội cho thấy AQI trên 200, mức rất xấu.

Không khí Hà Nội ở mức 'rất xấu'

Không khí Hà Nội ở mức 'rất xấu'

Ghi nhận VnExpress, vào 8h sáng 5/1, điểm đo tại Chi cục Bảo vệ môi trường (Cầu Giấy) là 238, Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 231, Đại sứ quán Pháp ở (Hoàn Kiếm) 253, Khu đô thị Pháp vân - Tứ Hiệp (Thanh Trì) 203... Đây là các chỉ số cao nhất từ đầu mùa đông năm nay.

Theo Cổng thông tin quan trắc môi trường thuộc UBND TP Hà Nội, AQI trên 200 là ngưỡng "mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn và cần hạn chế hoạt động ngoài trời". Giá trị AQI gồm 5 ngưỡng từ tốt đến nguy hại, trong đó mức rất xấu chỉ xếp sau nguy hại.

Ngoài các điểm đo nêu trên, cũng trong sáng nay, một số điểm quan trắc khác ở Hà Nội ghi nhận AQI ở mức xấu (từ 101-150) hoặc tiệm cận rất xấu; không có điểm quan trắc cho chỉ số không khí tốt. Đơn cử, điểm Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) là 195, điểm Phạm Văn Đồng 187, điểm Cung thiếu nhi Hà Nội 191.

Cơ sở quan trắc của Đại sứ quán Mỹ ở quận Hai Bà Trưng cho chỉ số AQI là 250; của Tổng cục Môi trường tại Long Biên 175.

Trang hiển thị của mạng lưới quan trắc PamAir sáng nay phủ một màu nâu, biểu thị chất lượng không khí ở mức nguy hại. Còn AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ tư trên thế giới với chỉ số AQI là 247. Trang này dự báo ngày mai mức độ ô nhiễm ở Hà Nội sẽ giảm xuống còn 178, tuy nhiên sẽ tăng trở lại mức 197 vào thứ năm.

Trước đó đánh giá về nguyên nhân ô nhiễm không khí Hà Nội, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định, có 12 nguyên nhân tác động chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao. Đó là khí xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, than tổ ong còn tiếp diễn; vật liệu quản lý phá dỡ các công trình xây dựng, quá trình phá dỡ, vận chuyển chưa kiểm soát; mùi hôi thối rác thải chưa xử lý được; đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận và tình trạng chuyển mùa khiến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn trở nên trầm trọng hơn.

Ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, ô nhiễm không khí có nguyên nhân khách quan là do thời tiết và biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nghịch nhiệt.

Theo ông Thái, không khí ô nhiễm ở mức báo động không chỉ nằm ở nguyên nhân khách quan mà do các nguồn phát thải tăng, tác động từ đốt rơm rạ, thói quen đốt than tổ ong làm ảnh hưởng lớn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Chẳng hạn hiện theo thống kê, trên địa bàn có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 , đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.

Trong khi đó, việc gia tăng phương tiện cá nhân với lượng phát thải chưa kiểm soát được cũng khiến không khí trở nên ngột ngạt. Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện Thủ đô đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,7 triệu chiếc thải khói ra môi trường mỗi ngày. Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.

Cuối tuần trước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị TP Hà Nội triển khai một số biện pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc đẩy nhanh việc thu hồi xe cũ nát, lạc hậu.