Kinh tế Nga sau một năm bị phương Tây trừng phạt

Thứ bảy, 11/03/2023, 06:44 AM

Một số quốc gia đã áp lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022, với mong muốn tước đi khả năng tài chính của Moscow trong cuộc tấn công chống lại Kiev. Xung đột ở Ukraine đã kéo dài hơn một năm và ngày càng có nhiều câu hỏi được đặt ra về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow.

748ea1cf14a31f82e165d1adf157c741-167060342920230310203840

Các lệnh trừng phạt đối với Nga đã ảnh hưởng đến giới tài phiệt, chính trị gia, lĩnh vực năng lượng - công nghiệp và khả năng tiếp cận của Nga đến thị trường quốc tế. Tuy nhiên, giá hydrocarbon xuất khẩu tăng đã giúp Nga tích trữ tiền mặt và ngăn chặn sự sụp đổ, TRT World cho biết.

Mặc dù EU - một trong những đối tác thương mại chính của Nga, đã cố gắng giảm 55% lượng nhập khẩu khí đốt từ nước này, nhưng Moscow đã chuyển hướng sang các thị trường mới, điều này đã giúp họ gia tăng xuất khẩu hydrocarbon.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, giá dầu khí tăng trong năm 2022, việc Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga cùng với chiến lược từ bỏ đồng USD của Moscow đã giúp quốc gia này giảm bớt thiệt hại từ các lệnh trừng phạt. Theo báo cáo của Anadolu Agency, sản lượng dầu của Nga đã tăng 2% lên 535 triệu tấn và xuất khẩu tăng 7% vào năm ngoái.

"Chúng tôi đã giữ vững nền kinh tế và bảo vệ công dân của chúng tôi", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói hôm 21/2 trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang. Ông nói thêm rằng: phương Tây đã không đạt được mục tiêu "gây bất ổn cho xã hội Nga". Ở mọi tình huống, bất chấp quy mô của các biện pháp trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn đang đứng vững, TRT lưu ý.

sanction-russia-1280x72020230310203843

Theo Ngân hàng Thế giới, dự trữ ngoại hối của Nga là khoảng 630 tỷ USD trước khi chiến tranh nổ ra. Đến tháng 11/2022, giảm xuống còn 560 tỷ USD. Bất chấp việc ngăn chặn dự trữ ngoại hối của Moscow và tước quyền truy cập của các ngân hàng Nga vào hệ thống SWIFT, Nga đã có gần 300 tỷ USD dự trữ vào cuối năm 2022.

Các quỹ này cho phép Ngân hàng Trung ương Nga, đảm nhận vai trò bảo vệ nền kinh tế chống lại các lệnh trừng phạt, bắt đầu các bước can thiệp vào thị trường tiền tệ và duy trì các điều kiện cần thiết cho sự tương tác giữa các ngân hàng Nga với thị trường toàn cầu, TRT World cho biết.

Vào năm 2022, một tháng sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói về những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng mà Nga đã phải gánh chịu. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, đồng rúp gần như ngay lập tức "biến thành tờ giấy vụn". Tuy nhiên, kể từ đó, bất chấp những biến động tạm thời, đồng tiền Nga vẫn ở mức xấp xỉ như trước chiến tranh - 75 rúp đổi một USD.

Điều này đã trở nên khả thi nhờ việc Nga sử dụng hiệu quả các biện pháp kiểm soát vốn để tăng cường dự trữ ngoại hối. Dù nền kinh tế Nga đã giảm 2,2% trong năm 2022, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Chính quyền Biden. Quỹ IMF dự đoán nền kinh tế Nga sẽ có một vài sự tăng trưởng trong năm 2023. Ngân hàng Thế giới cho biết năm nay nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhờ sự gia tăng tiêu dùng và xuất khẩu, khi Moscow định hướng lại quan hệ thương mại.

Bất chấp các làn sóng trừng phạt liên tiếp từ phương Tây, Nga vẫn có đủ khí tài để tiếp tục chiến dịch quân sự.

Có lẽ, một kết thúc rõ ràng cho xung đột ở Ukraine vẫn còn khá xa.