Lãi suất tiết kiệm giảm, lợi nhuận tăng liệu ngân hàng có giảm lãi suất cho vay?

Chủ nhật, 10/03/2019, 12:37 PM

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều ngân hàng đã giảm, trong bối cảnh ngân hàng tăng lợi nhuận câu hỏi được quan tâm lúc này liệu ngân hàng có giảm lãi suất cho vay?

lai-suat-tiet-kiem-giam-loi-nhuan-tang-lieu-ngan-hang-co-giam-lai-suat-cho-vay
Lãi suất tiết kiệm giảm, lợi nhuận tăng liệu ngân hàng có giảm lãi suất cho vay? Ảnh minh họa

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm

Khung lãi suất tiền gửi của ngân hàng Bắc Á có hiệu lực từ ngày 25/2 đã ghi nhận sự điều chỉnh giảm đều 0,1% đối với các kỳ hạn từ 9 tháng trở lên. Cụ thể, lãi suất huy động vốn kỳ hạn 9 – 11 tháng giảm từ 7,9% xuống 7,8%; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 8,1% xuống 8%.

Các kỳ hạn dài như 13 tháng, 15, 18, 24 và 36 tháng cũng đều giảm từ 8,2% xuống 8,1%, sau lần điều chỉnh tăng mạnh 0,5% vào nửa cuối tháng 1. Như vậy, sau lần điều chỉnh tăng liên tiếp trong suốt thời gian qua, đây là lần điều chỉnh giảm trở lại đầu tiên của ngân hàng này.

Một ngân hàng khác cũng vừa điều chỉnh giảm đều 0,2% lãi suất huy động vốn từ ngày 27/2, tập trung tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên là ngân hàng GPBank. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 6 tháng giảm từ 7,1% xuống 6,9%; kỳ hạn 7-8 tháng giảm từ 7,15% xuống 6,95%; kỳ hạn 9 tháng giảm xuống 7%. Các kỳ hạn dài hơn như 12 tháng giảm xuống 7,1%; 13 tháng giảm xuống 7,2%; kỳ hạn 15, 18 và 24 tháng cũng giảm từ 7,3% xuống 7,1%. Riêng kỳ hạn 36 tháng chỉ giảm 0,1% xuống 7,1%.

lai-suat-tiet-kiem-giam-loi-nhuan-tang-lieu-ngan-hang-co-giam-lai-suat-cho-vay
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm nhiều ngân hàng đã giảm. Ảnh minh họa

Trước đó khung lãi suất của ngân hàng MSB có hiệu lực từ 21/2 lại chứng kiến những diễn biến trái chiều. Cụ thể trong khi tiền gửi kỳ hạn 7-8 tháng giảm 0,1% xuống 6,8%, thì tiền gửi kỳ hạn 1,2 và 3 tháng tăng đều 0,1% lên lần lượt 5,1%, 5,2% và 5,3%. Tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng tăng đều thêm 0,1% lên tương ứng 6,9%, 7,0% và 7,1%. Đáng chú ý là các kỳ hạn dài hơn chứng kiến mức tăng dài hơn, như lãi suất tiền gửi 15 tháng tăng 0,15% lên 7,2%; 18 tháng tăng 0,3% lên 7,4%; kỳ hạn 24 và 36 tháng đều tăng mạnh 0,7% lên 7,5%.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Techcom Securities (TCBS): Hướng giảm lãi suất đa phần ở những thành viên chiếm thị phần huy động lớn trong hệ thống. Và tại những thành viên này, mức lãi suất huy động VND cao nhất trên biểu niêm yết hiện chỉ từ 6,8-6,9%/năm.

Trên thị trường hiện vẫn có nhiều ngân hàng thương mại có thị phần nhỏ đang áp lãi suất huy động VND cao nhất từ 8,5-8,7%/năm nhưng chủ yếu áp ở các kỳ hạn rất dài với các điều kiện số tiền gửi lớn.

Lợi nhuận tăng

Năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự “bùng nổ” lợi nhuận của các ngân hàng. Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ “ngôi vương” với trên 18.300 tỷ đồng. Tiếp theo là Techcombank với 10.660 tỷ đồng;  BIDV đạt 9.476 tỷ đồng; VPBank đạt trên 9.200 tỷ đồng; Agribank đạt 7.525 tỷ đồng; MB đạt 7.700 tỷ đồng; Vietinbank đạt 6.900 tỷ đồng...

Theo thống kê quy mô lợi nhuận của top 10 ngân hàng (Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Agribank, VietinBank, ACB, HDBank, VIB) đã đạt tới hơn 83.000 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm ngoái. Nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh với mức tăng trên 1,5 lần như Vietcombank, MBBank, ACB, HDBank, VIB.

lai-suat-tiet-kiem-giam-loi-nhuan-tang-lieu-ngan-hang-co-giam-lai-suat-cho-vay
Ngân hàng tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, toàn hệ thống cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng lãi nghìn tỷ khác như: Sacombank, Eximbank, LienVietPostBank, SHB, OCB, TPBank.

Lợi nhuận ngành ngân hàng liên tiếp bùng nổ trong 2 năm qua, theo các chuyên gia là nhờ vào việc các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu, cùng với đó là tập trung vào mảng bán lẻ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, bắt tay với các hãng bảo hiểm.

Với đà này, dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới. Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% tổ chức tín dụng dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều.

Lãi suất cho vay liệu có giảm?

Với việc tăng trưởng lợi nhuận khả quan, nhiều người kỳ vọng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài một số ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên hồi đầu năm thì lãi suất chung trên thị trường không có xu hướng giảm.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Con số này không thay đổi trong vài năm trở lại đây. Thậm chí trên thị trường, một số khoản vay như vay bất động sản, lãi suất còn có xu hướng tăng kể từ đầu năm, do việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo các chuyên gia, ngoài các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất thời điểm này sẽ khó hạ vì thực tế lãi suất ngân hàng phụ thuộc nhiều vấn đề. Mà theo như chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, điều đầu tiên là phụ thuộc lãi suất đầu vào.

lai-suat-tiet-kiem-giam-loi-nhuan-tang-lieu-ngan-hang-co-giam-lai-suat-cho-vay
Lãi suất cho vay liệu có giảm? 

Thứ hai là kỳ vọng lạm phát Việt Nam vẫn cao, năm nay vào khoảng 3,5-4%. Thứ ba là rủi ro nền kinh tế nói chung và rủi ro các doanh nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của nước ngoài vẫn còn tương đối rủi ro (hệ số tín nhiệm Việt Nam đang là BB).

Nguyên nhân thứ tư khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng khó giảm là chi phí giao dịch của nền kinh tế Việt Nam còn rất cao, một phần do chi phí không chính thức.

Cuối cùng, theo quan điểm của vị chuyên gia, hiện lãi suất ngân hàng không phải điểm nghẽn đối với doanh nghiệp nữa, vì vậy việc giảm mặt bằng lãi suất không phải là vấn đề cấp thiết.

Hiện đến thời điểm này 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn Việt Nam đồng (VND). Các ngân hàng cam kết sẽ giảm là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank).

Lãi suất các ngân hàng hàng cam kết giảm là 0,5%, cụ thể, các khoản vay ngắn hạn tại Vietcombank sẽ được giảm lãi suất thấp hơn 0,5% với mức quy định trần của Ngân hàng Nhà nước cho 5 lĩnh vực ưu tiên.

Như vậy các khoản vay ngắn hạn sẽ có lãi suất tối đa 6% một năm. Việc giảm lãi suất sẽ áp dụng cho các khoản vay đang còn dư nợ và khoản vay mới từ năm 2019. Tương tự Agribank sẽ thực hiện giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (bao gồm cả cho vay trung và dài hạn). 

 

Từ chuyện cảnh báo thiếu điện đến tăng giá điện dưới góc nhìn chuyên gia

Chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh đặt câu hỏi, trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa có tăng có giảm. Điện cũng là hàng hóa nhưng tại sao chỉ có tăng, không có giảm?.

 

Loạn tin đồn sáp nhập một địa phương của Quảng Nam vào TP Đà Nẵng để 'thổi' giá đất

Ngày 9/3, Liên quan đến việc gần đây một số tin đồn về việc sẽ sáp nhập địa phương vào TP Đà Nẵng nhằm “thổi” giá đất, đến nay UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã bác bỏ thông tin này.

 

Hà Nội: 74 cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy

Công an TP Hà Nội vừa công khai danh sách 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.