Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hợp Quốc bỏ phiếu trực tuyến

Thứ ba, 31/03/2020, 19:00 PM

Ngày 30/3/2020, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở LHQ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Một cuộc họp trực tuyến của các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

Một cuộc họp trực tuyến của các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

Do không thể họp tại trụ sở LHQ để biểu quyết trực tiếp, các nước HĐBA đã nhất trí trong thời gian đại dịch COVID-19, HĐBA sẽ bỏ phiếu theo 2 bước: Các nước gửi thư thông báo cho Chủ tịch HĐBA quyết định bỏ phiếu của nước mình trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi Chủ tịch HĐBA gửi thư thông báo về việc bỏ phiếu nghị quyết; sau thời hạn 24h giờ này, HĐBA họp trực tuyến công bố kết quả bỏ phiếu của các nước.

Chủ tịch HĐBA cũng sẽ thông báo kết quả bằng văn bản tới các nước thành viên HĐBA và các nước liên quan trực tiếp, sau đó sẽ công khai trên trang mạng chính thức của HĐBA.

Cũng trong ngày này, các cơ quan LHQ cũng đưa ra nhận định COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế tại các quốc gia đang phát triển “tồi tệ hơn” trước khi trở nên tốt hơn và kêu gọi gói cứu trợ trị giá 2.500 tỷ USD nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế tại đây.

Theo phân tích mới của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), bộ phận quan trọng của Đại hội đồng LHQ giải quyết các vấn đề về thương mại, đầu tư và các vấn đề liên quan đến phát triển cho thấy, với các điều kiện toàn cầu xấu đi, các hạn chế về tài chính và ngoại hối sẽ khiến các quốc gia đang phát triển lấy xuất khẩu hàng hóa làm chủ lực phải đối mặt với sự thâm hụt từ 2.000 – 3.000 tỷ USD vòng 2 năm tới do đại dịch COVID-19.

Theo ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD, sự suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi đã diễn ra kể từ quý IV/2019 trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019. "Tình hình sẽ rất tệ", ông Richard Kozul-Wright cho hay.

Theo UNCTAD, các nước đang phát triển sẽ cần đến 2.500 tỷ USD trong năm nay để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Trong số đó bao gồm 1.000 tỷ USD hỗ trợ về nợ và 500 tỷ USD cho các dịch vụ y tế khẩn cấp và các chương trình liên quan.

“Khủng hoảng y tế sẽ vẫn diễn ra tại các nước đang phát triển”, ông Richard Kozul-Wright cho biết. “Cuộc khủng hoảng này sẽ khiến các quốc gia đang phát triển đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Chính vì vậy, chúng tôi đang tìm cách nhằm tăng cường các dịch vụ cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia này…”, ông nhấn mạnh.

Ông Kozul-Wright thông báo, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí lập quỹ hỗ trợ toàn cầu trị giá 5.000 tỷ USD, một phản ứng chưa có tiền lệ đối với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này. Việc này sẽ giúp làm giảm mức độ của cú sốc về “thể chất, kinh tế và tâm lý”, ông Kozul-Wright nói. 

Các lãnh đạo G20 cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các ngân hàng khu vực để triển khai gói tài chính hỗ trợ những quốc gia đang phát triển.

“Mặc dù vậy, nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay với dự đoán mất thu nhập toàn cầu hàng nghìn tỷ USD. Điều này sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng cho các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc và ngoại lệ có thể là Ấn Độ”, ông Kozul-Wright cảnh báo.

Phân tích của UNCTAD cho hay: "Khi thiếu năng lực tiền tệ, tài chính và cơ chế hành chính để đối phó với cuộc khủng hoảng này thì hậu quả của đại dịch y tế kết hợp và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là thảm họa đối với nhiều nước đang phát triển và ngăn chặn tiến trình của họ đến với các mục tiêu pát triển bền vững"...

Bài liên quan