Thứ bảy, 29/09/2018, 12:54 PM
  • Click để copy

Lo công nghệ thải loại tràn vào Việt Nam từ xung đột Mỹ - Trung

Độ mở lên tới hơn 220% trong 9 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế.

Lo công nghệ thải loại tràn vào Việt Nam từ xung đột Mỹ
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê. Ảnh: H.Thu

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa tác động trực tiếp tới Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thì có nhiều nguy cơ.

- Xung đột thương mại Mỹ - Trung đang leo thang, nhất là sau khi tuyên bố Mỹ đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực. Với độ mở kinh tế lớn, điều gì đáng lo ngại với Việt Nam, thưa ông?

- Nền kinh tế độ mở lớn cũng sẽ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế. Độ mở nền kinh tế Việt Nam tăng đều qua các năm, 9 tháng đầu năm nay độ mở này đạt 229%, chứng tỏ nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu. 

Theo tôi, hiện tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung vẫn chưa ảnh hưởng rõ rệt tới Việt Nam. Nhưng về dài hạn sẽ tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước. 

Nếu chiến tranh thương mại kéo dài, Mỹ mở rộng bảo hộ thương mại thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Nên nhớ Việt Nam đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, thứ 5 quy mô thương mại với Mỹ. Trước xu hướng chính sách gia tăng bảo hộ thương mại thì rủi ro lớn nhất đó là Mỹ sẽ đưa ra rào cản kỹ thuật, thương mại, thuế... lên hàng hoá các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ hiện nay như dệt may, điện tử, điện thoại, da giày sẽ chịu tác động.

Ngoài ra, xung đột Mỹ Trung đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, sang các nước khác. Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc nên có thể dòng đầu tư này sẽ chuyển dịch sang nước ta. Điểm bất lợi ở đây chính là những dự án đầu tư nước ngoài quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thấp, gây ô nhiễm... tràn sang Việt Nam. Vấn đề vốn ô nhiễm (vốn đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm) và công nghệ rác thải, kỹ thuật lạc hậu... từ Trung Quốc đã được cảnh báo nhiều năm nay. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng khả năng các dự án trên phá sản và buộc chuyển dịch sang nước thứ ba.

Rủi ro nữa về gian lận thương mại khi hàng Trung Quốc vào Việt Nam, núp bóng nhãn hiệu, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để xuất sang Mỹ. 

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, một số nước lớn, nhất là Trung Quốc sẽ đẩy mạnh liên kết song phương. Do đó, Việt Nam cần tính toán để có đủ điều kiện về năng lực tham gia cuộc chơi này. 

- Nhưng chắc chắn nhiều người tin chúng ta sẽ có được cơ hội từ cuộc chiến thương mại này. Ông thấy sao? 

- Xung đột Mỹ – Trung cho thấy chiều hướng chiến lược của Mỹ đang kiềm chế Trung Quốc ở nhóm hàng, lĩnh vực công nghệ cao để Trung Quốc không thành công trong chiến lược “Made in China 2015”. Nếu khai thác thì đây là điểm thuận cho phát triển của Việt Nam trong tương lai, nhất là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng chúng ta có lợi thế như dệt may, da giày... sang Mỹ. 

Tôi cũng cho rằng, cuộc chiến này sẽ tạo ra động lực mạnh hơn cho Việt Nam trong triển khai liên kết kinh tế, đẩy mạnh đa phương hoá và tìm kiếm thị trường mới. Đơn cử, xung đột Mỹ - Trung sẽ đẩy các nước, trong đó có Việt Nam tiến tới ký và thông qua nhanh các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP... Đây cũng là chủ trương của Chính phủ trong quan hệ ngoại giao, kinh tế.

Việt Nam cần lưu ý gì để tránh những rủi ro từ cuộc chiến này?

- Cuộc chiến nào cũng sẽ đem lại tác động hai mặt. Chúng ta phải gạn lọc và phát huy cơ hội, hạn chế rủi ro.

Chẳng hạn, 

trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 9 tháng qua số lượng dự án tăng lên nhưng đã bắt đầu xuất hiện dự án quy mô vốn nhỏ dưới 1 triệu USD. Với số dự án này chúng ta cần rà soát, sàng lọc kỹ để gạt dự án công nghệ thấp, ảnh hưởng môi trường, chất lượng sản phẩm kém... đổ vào Việt Nam. Thời điểm này chúng ta cần sàng lọc thu hút đầu tư nước ngoài chứ không phải thu hút bằng mọi giá như cách đây 30 năm. 

Làm được như vậy cũng sẽ ngăn được việc 

các nước bị ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến thương mại này lợi dụng và tận dụng Việt Nam như bến đỗ của mình.

-Trở lại với tình hình kinh tế nội tại, tăng trưởng kinh tế (GDP) trong 9 tháng năm 2018 đạt cao nhất 8 năm qua. Trong khi đó,Ngân hàng châu Á (ADB) trong công bố lại vừa hạ tăng trưởng Việt Nam từ 7,1% xuống 6,9%. Ông nghĩ sao về động thái này?

- Trước đây họ thường đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp hơn số liệu của Tổng cục thống kê, nhưng gần đây các dự báo lại thường cao hơn. Việc họ điều chỉnh như vậy theo tôi là bình thường. 

Với những số liệu thống kê hiện có, chúng tôi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ đạt cận trên mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra 6,5- 6,7%.

Tuy vậy, qua tình hình kinh tế 9 tháng, nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhà máy trong ngành chế biến chế tạo, nhà máy thuỷ điện... đã hoàn thành, đưa vào vận hành nên năng lực nền kinh tế đã tăng lên. Đây là cơ sở giúp tăng trưởng kinh tế tốt trong quý IV và năm tới. Với tình hình diễn biến 9 tháng qua thì nhiều khả năng tăng trưởng cả năm 2018 sẽ vượt mục tiêu 6,7%.

- Theo ông giải pháp nào để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng cao năm nay nhưng vẫn kìm giữ lạm phát dưới 4%?

- Chúng ta cũng cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản với hoạt động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể. Chính sách tiền tệ cũng cần được điều hành linh hoạt, thận trọng; lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường.

Về phía các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để có ứng phó kịp thời. Bên cạnh củng cố, phát triển thị trường trong nước, chúng ta cũng cần đẩy mạnh tìm kiến, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho hàng nông sản; kiểm soát chặt hàng nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất, phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. 

 

Từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?

Không thể ăn miếng trả miếng từng xu trong ván cờ thuế quan, cách đáp trả “định tính” mà Trung Quốc tuyên bố có thể khiến Mỹ-Trung rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới

 

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Nhìn từ góc độ xuất khẩu

Nhìn từ góc độ xuất khẩu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra nhiều thay đổi.