Lộ diện bà chủ và những bí ẩn về tòa bê tông 7 tầng 'vô phép' trên đèo Mã Pì Lèng

Thứ bảy, 05/10/2019, 07:04 AM

Tòa nhà bê tông 7 tầng với tên gọi khách sạn Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng do bà Vũ Thị Ánh (TP Hà Giang) làm chủ đầu tư.

Chủ nhân tòa bê tông 7 tầng
Chủ nhân tòa bê tông 7 tầng "vô phép" trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) là một phụ nữ.

Chủ nhân tòa bê tông 7 tầng 'vô phép' là ai?

Tin tức mới nhất liên quan đến vụ việc tòa nhà bê tông 7 tầng mang tên khách sạn Mã Pì Lèng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (hay còn gọi là đèo Mã Pí Lèng thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) phá vỡ cảnh quan thiên nhiên bị cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay.

Tìm hiểu được biết, chủ đầu tư của công trình được ví như "cái răng sâu" hay "cái gai" trên Mã Pì Lèng này chính là một phụ nữ ở TP Hà Giang tên Vũ Thị Ánh.

Theo thông tin ban đầu, bà chủ tòa bê tông 7 tầng trên đỉnh Mã Pì Lèng đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất với mục đích sử dụng là Đất trồng cây hàng năm khác chưa phải đất thổ cư, đất xây dựng. Công trình chưa có Giấy phép xây dựng.

Điều khiến dư luận thắc mắc đó là bà chủ công trình tòa bê tông 7 tầng là ai? Giàu có cỡ nào? Tại sao có thể xây dựng được một công trình bê tông đồ sộ trên đất trồng cây hàng năm? Không cần giấy phép xây dựng và có thể tồn tại đến giờ? Để có thông tin khách quan, PV đã liên lạc qua số điện thoại của bà Ánh nhưng không được. 

Công trình với tên gọi khách sạn Panorama được ví như cái răng sâu trên đèo Mã Pì Lèng. (Ảnh: VTC).
Công trình với tên gọi khách sạn Panorama được ví như cái răng sâu trên đèo Mã Pì Lèng. (Ảnh: VTC).

Quan sát bằng mắt thường cho thấy: Công trình này được xây dựng trên diện tích hàng trăm m2. Bên ngoài, công trình được gắn biển tên Mã Pì Lèng Panorama, Hostel – Restaurant – Coffe. Bên trong, ngay gần cửa là quầy bar, quầy thu ngân và khu vực pha chế đồ uống. Tại khu quầy bar có ghi giá phòng nghỉ với các mức giá khác nhau từ 250.000 đồng đến 750.000 đồng/đêm.

Phía ngoài quầy bar là khu vực ban công rộng, được thiết kế lắp đặt bằng thép và bê tông, tạo thành điểm chính để khách sử dụng dịch vụ ngắm toàn cảnh cao nguyên và sông Nho Quế.

Theo phản ánh của báo chí, Mã Pì Lèng Panorama nằm trên quốc lộ 4C, cách thị trấn Mèo Vạc 8 km đi về hướng huyện Đồng Văn. Đây vốn dĩ đất canh tác nông nghiệp hàng năm của người dân xã Pả Vi. Sau khi mua gom đất nương của dân, bà Ánh đã bắt tay vào việc xây dựng công trình đồ sộ này.

Chính quyền có bao che không?

Theo tờ Đời sống pháp luật: Vị trí xây dựng này thuộc địa điểm đã được Sở VHTT&DL Hà Giang đặt cột mốc khoanh vùng di sản danh thắng thiên nhiên Mã Pì Lèng và tổ chức UNESCO cũng chọn làm điểm dừng chân ngắm cảnh đường đèo và toàn cảnh sông Nho Quế.

Thế nhưng, từ khi công trình này mọc lên thì tấm bia đá biến mất, các biển báo được cắm gọn lại một góc. Cùng với đó, đường xuống ngắm cảnh đã được gắn một cánh cửa sắt và khóa chặt. Và nếu có nhu cầu ngắm cảnh, du khách phải đi vào khu nhà hàng.

Liên quan vụ việc trên, đại diện Sở VHTT&DL Hà Giang - đơn vị quản lý trực tiếp di sản này khẳng định không nắm rõ việc công trình này vi phạm vào di tích hay công viên địa chất hay không.

Trưởng Phòng Quản lý di sản của Sở này còn cho rằng, công trình này chỉ xây dựng ở giáp ranh vành đai chứ không phạm vào di sản Mã Pì Lèng. Nhưng khi đưa bản đồ di tích ra thì vị này không dám khẳng định chắc chắn có vi phạm hay không vi phạm.

Trong khi đó, báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Hà giang thể hiện công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama do bà Vũ Thị Ánh làm chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có Giấy phép xây dựng.

Địa điểm khách sạn Mã Pì Lèng Panorama thể hiện trên bản đồ. (Ảnh: Google maps).
Địa điểm khách sạn Mã Pì Lèng Panorama thể hiện trên bản đồ. (Ảnh: Google maps).

Theo báo cáo, công trình xây dựng này nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ II di tích danh thắng Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo điều 36 Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản năm 2009 quy định: Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.Theo đó, Sở VHTTDL Hà Giang nêu, UBND tỉnh Hà Giang có Nghị quyết số 989/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 về việc Ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng trên tỉnh Hà Giang. Điều 1 Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 có nêu “giao cho UBND huyện, thành phố trực tiếp quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh".

Báo Tiền Phong cho biết: Ngày 19/7, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký văn bản số 2258 yêu cầu Sở VHTTDL kiểm tra, phát hiện kịp thời đề xuất kiến nghị xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về Luật Di sản văn hóa.

Tỉnh Hà Giang cũng yêu cầu huyện Mèo Vạc thực hiện tốt việc quản lý đầu tư, xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, đặc biệt là các khu vực có di sản, điểm du lịch đã được quy hoạch; chủ trì phối hợp với các sở ngành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra yêu cầu nhà đầu tư dự án công trình điểm dừng chân ngắm toàn cảnh hẻm vực Tu Sản, Mã Pì Lèng thực hiện đầu tư xây dựng dự án theo quy định; kiên quyết xử lý, đình chỉ hoạt động (tháo dỡ) những công trình dự án đầu tư không đủ điều kiện. Thế nhưng không hiểu vì sao đến nay tòa bê tông này vẫn vô tư tồn tại?