Lợi dụng khan hiếm hàng, 'cò khẩu trang' hét giá trên trời trước cửa chợ thuốc

Thứ bảy, 01/02/2020, 06:50 AM

Nhà thuốc bán hàng thiếu đạo đức, cò khẩu trang tranh thủ bán kiếm lời trước tình hình chống dịch viêm phổi cấm đang trở nên cấp bách.

Tranh thủ đầu cơ khẩu trang bán cao gấp nhiều lần so với giá ngày thường. (Ảnh Chí Hiếu)

Tranh thủ đầu cơ khẩu trang bán cao gấp nhiều lần so với giá ngày thường. (Ảnh Chí Hiếu)

Sau trận "bạo loạn" tranh nhau mua khẩu trang tại khu vực toà nhà Hapulico (Thanh Xuân, Hà Nội), nơi được mệnh danh là chợ thuốc lớn nhất miền Bắc vào sáng 31/1. Có hàng trăm thậm chí hàng nghìn người đổ về để mua bán khẩu trang, nước rửa tay.

Những quầy hàng có giá khẩu trang vài chục nghìn 1 hộp 50 chiếc hết bay chỉ trong vài phút, nhiều trong số đó đã vào tay một số nhóm người lợi dụng bán sang tay kiếm lời.

Ghi nhận tại thời điểm 19h tối 31/1, trước cửa chợ thuốc Hapulico rất nhiều người dân đến đây để tìm mua nhưng chợ thuốc đã đóng cửa, các hiệu thuốc bên ngoài treo biển hết khẩu trang và nước rửa tay khô. Chỉ còn một số người bán hàng khẩu trang với giá "cắt cổ".

Theo ghi nhận tại những nơi "cò" khẩu trang bán với giá 50.000 đồng/5 chiếc khẩu trang loại vải 3 lớp, trong khi ngày thường mặt hàng ngày chỉ có giá chưa tới 10.000 đồng.

Không dừng lại ở đó, theo phản ánh, nhà thuốc Long Tâm một trong những hệ thống hiệu thuốc được nhiều người dân tin dùng tại Hà Nội cũng xảy ra trường hợp bán khẩu trang giấy với giá 250.000 đồng, sau khi có thắc mắc về giá, nhân viên chỉ giải thích mặt hàng đang rất khan hiếm và giá tăng theo từng giờ.

Không chỉ thế, những quầy thuốc nhỏ ở khắp Hà Nội, nếu có hàng cũng bán với giá "cắt cổ", khiến nhiều người dân ngán ngẩm ra về vì cơn sốt giá khẩu trang bị nhà thuốc làm ăn thiếu đạo đức.

Trước tình trạng loạn giá trên đã được báo chí phản ánh trong buổi chia sẻ thông tin do Bộ Y tế tổ chức, ngay trong cuối buổi chiều nay, Bộ Y tế đã có văn bản gửi đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu y tế.

 

 

Văn bản của Bộ Y tế gửi các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các trang thiết bị y tế trong thời điểm dịch viêm phổi cấp đang diễn biến phức tạp.

Yêu cầu các đơn vị phải ổn định công tác kinh doanh, sản xuất, chuẩn bị nguồn, phương án cung cấp trang thiết bị y tế chống dịch, máy thở, máy chụp x-quang, máy theo dõi bệnh nhân, hóa chất xét nghiệm.

Chủ động nguyên liệu phục vụ sản xuất, nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch, khi có khó khăn cần liên hệ với Bộ Y tế đề xem xét, giải quyết.

Đặc biệt trong văn bản có yêu cầu các đơn vị đảm bảo ổn định giá các trang thiết bị phục vụ phòng chống bệnh, không bán cho các đơn vị thu mua đầu cơ tăng giá khi nhu cầu tăng cao gây khan hiếm thị trường.