Lợi nhuận công ty mẹ giảm mạnh, điều gì đang xảy ra tại Petrolimex?

Thứ hai, 04/11/2019, 06:30 AM

Hết Quý III/2019, công ty mẹ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 393 tỷ đồng, giảm gần 152,5 tỷ đồng, tức 28% so với cùng kỳ năm trước.

loi-nhuan-cong-ty-me-giam-manh-dieu-gi-dang-xay-ra-tai-petrolimex
Hết Quý III/2019, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 393 tỷ đồng, giảm gần 152,5 tỷ đồng, tức 28% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019, doanh thu thuần quý III đạt 48.640 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 46.175 tỷ đồng),  doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đạt 140.302 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 142.843 tỷ đồng).

Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 1.112 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 890,5 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 3.640 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 3.187 tỷ đồng).

Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn đã tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. Petrolimex cho biết, nguyên nhân tăng lợi nhuận do ảnh hưởng từ lợi nhuận hoạt động tài chính.

Trong quý III/2018, tỷ giá bình quân USD/VND tăng 1,8% so với quý trước liền kề nên trong quý III năm ngoái Petrolimex bị lỗ chênh lệch tỷ giá.

Trong khi đó, tỷ giá USD/VND của quý III/2019 không tăng mà thậm chí giảm nhẹ 0,3% nên Petrolimex có lãi về chênh lệch tỷ giá trong quý này.

Tuy lợi nhuận hợp nhất của toàn bộ Tập đoàn Xăng dầu tăng nhưng lợi nhuận công ty mẹ lại bị giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 339 tỷ đồng trong quý III/2019.

Trong giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Petrolimex cho biết lợi nhuận giảm do chính sách điều hành giá nội bộ giữa công ty mẹ với các công ty TNHH Kinh doanh xăng dầu, nhằm đảm bảo phù hợp yếu tố cạnh tranh tại các vùng thị trường khi giá xăng dầu có biến động khác biệt giữa các chu kỳ kinh doanh.

Trong khi đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn khoảng 9.014 tỷ đồng, giảm gần 33%. Ngược lại vay và nợ thuê tài chính dài hạn gần 1,564 tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm.

Trên sàn chứng khoán, mã PLX của Petrolimex đang đứng mức 59.400 đồng/cổ phiếu, tăng 100 đồng, tương đương 0,17% so phiên giao dịch liền trước. Từ đầu năm (1/1-1/11), mã PLX tăng 16%, tương đương mỗi cổ phiếu thêm 8.463 đồng.

Trước đó, tại báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 91.662 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ cắt giảm nhiều chi phí, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex tăng thêm 10%, cán mốc 2.528 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Petrolimex bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về một khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa phù hợp với các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam.

Cụ thể, công ty con của Petrolimex là CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 135 tỷ đồng tại thời điểm ngày 30/6 dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019.

Tuy vậy, theo quy định, dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần được lập dựa trên ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày kết thúc kỳ kế toán.

Kiểm toán viên cho biết nếu Petrolimex ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định, chỉ tiêu giá vốn hàng bán và cung cấp dịch vụ cùng lợi nhuận kế toán trước thuế sẽ tăng thêm tương ứng 135 tỷ đồng. Theo đó, Petrolimex phải hạch toán thuế, các khoản phải nộp Nhà nước và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tăng thêm 27 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Petrolimex sẽ tăng 64 tỷ đồng.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/loi-nhuan-cong-ty-me-giam-manh-dieu-gi-dang-xay-ra-tai-petrolimex-140653.html