Luật sư: 'Bệnh viện Bạch Mai không thể vô can, người bệnh có thể được trả lại tiền?'

Thứ bảy, 05/09/2020, 11:08 AM

Theo đại diện Bộ Công an: Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị bị nâng khống ở Bệnh viện Bạch Mai, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng, vậy người bệnh có được trả lại tiền?

Có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị bị nâng khống ở Bệnh viện Bạch Mai bị chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị bị nâng khống ở Bệnh viện Bạch Mai bị chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Người bệnh sử dụng thiết bị nâng khống ở Bệnh viện Bạch Mai bị chiếm đoạt 10 tỷ đồng có được hoàn tiền?

Liên quan đến vụ việc nâng khống thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai để chiếm đoạt tiền của bệnh nhân, gây rúng động dư luận.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ tối 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết: Từ năm 2017-2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.

Từ trả lời trên, câu hỏi được dư luận quan tâm đó là những người bệnh từng sử dụng các dịch vụ từ máy này có được trả lại số tiền chênh lệch hay không?

Luật sư Hoàng Tùng.

Luật sư Hoàng Tùng.

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Nếu kết quả điều tra xác định đúng là các đối tượng đã làm các chứng thư, giấy tờ, kết quả không có giá trị để lừa đảo chiếm đoạt của các bệnh nhân thì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản này cấu thành.

"Tại thời điểm bây giờ hiện đang có dấu hiệu của tội - Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và vấn đề xử lý như thế nào cần phải căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan công an để xác định hành vi vi phạm cụ thể, cấu thành tội nào", luật sư Tùng phân tích thêm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Tùng cho rằng: "Trường hợp xác định bệnh nhân bị chiếm đoạt tiền. Đương nhiên có quyền được đòi lại số tài sản đã bị chiếm đoạt".

Cũng theo nhận định của luật sư, trong việc này cũng cần phải quy định trách nhiệm về phía Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt là các lãnh đạo của Bệnh viện khi để tình trạng nâng khống thiết bị xảy ra.

"Bệnh nhân nộp tiền cho bệnh viện, Bệnh viện phải có trách nhiệm đối với việc hoàn trả lại số tiền cho người bệnh. Các đối tượng vi phạm phải chịu trách nhiệm trả lại số tiền đã chiếm đoạt..." luật sư Hoàng Tùng phân tích.

Công ty BMS từng trúng thầu ở nhiều bệnh viện khác?

Theo đại diện Bộ Công an: Kết quả điều tra bước đầu có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Tìm hiểu được biết, tại Bệnh viện Bạch Mai Công ty BMS không chỉ liên kết đặt 1 hệ thống thiết bị là robot Rosa (thiết bị được cho là đã bị thổi giá) mà Công ty này còn đặt liên kết một số thiết bị khác như robot Mako.

Bên cạnh đó, phản ánh từ báo chí cũng cho thấy, ngoài Bệnh viện Bạch Mai thì Công ty BMS còn trúng thầu cung cấp máy cho nhiều bệnh viện lớn khác.

Báo Người Lao Động đưa tin: Công ty BMS đã trúng "Gói thầu số 1: Mua sắm bổ sung vật tư tiêu hao y tế năm 2020" của Bệnh viện Đa khoa Đông Anh với giá trúng thầu 3,23 tỷ đồng (giá gói thầu 3,24 tỷ đồng);

"Gói thầu cung cấp bổ sung vật tư cho phẫu thuật của các chuyên khoa năm 2020" của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với giá trúng thầu 1,8 tỷ đồng (giá gói thầu 9,9 tỷ đồng).

Còn tại Hải Phòng, Công ty BMS liên tiếp trúng nhiều gói thầu có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, thông qua hình thức chỉ định thầu rút gọn trong nước.

Cụ thể, công ty này đã trúng 4 gói thầu thuộc dự án "Mua sắm trang thiết bị, phương tiện phòng hộ cá nhân, phương tiện vận chuyển, vật tư tiêu hao, hóa chất diệt khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hải Phòng" của Sở Y tế Hải Phòng.

Công ty BMS trúng các gói thầu với giá bằng giá gói thầu mua sắm máy truyền dịch, máy hút dịch, bình hút dẫn lưu và bộ khí dung kết nối máy thở (giá trúng thầu 8,1 tỷ đồng); mua sắm hệ thống nội soi phế quản (trúng thầu 3,9 tỷ đồng); mua sắm ôtô chuyên dùng phun dịch (trúng thầu 3,2 tỷ đồng); mua sắm máy thở (giá trúng thầu 15,85 tỷ đồng).

Cần xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin người dân

Nêu quan điểm về vụ việc nâng khống giá thiết bị ở Bệnh viện Bạch Mai, BS Nguyễn Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em cho biết: Ông đã đọc thông tin trên báo chí và đây “rõ ràng là sự vi phạm đạo đức ngành y nghiêm trọng”.

Trên tờ Infonet, ông An cho rằng “rất khó để có thể trả lại tiền cho những người dân đã điều trị, đã chết…. Trong khoảng thời gian ấy, có biết bao nhiêu người dân đã bị móc túi, thậm chí chết do không đủ khả năng chi chả tiền chạy chữa mà phải xin về chờ chết.

Còn với trường hợp cụ thể này, bây giờ bảo trả lại cho những người dân còn sống, còn sổ sách thì còn có thể nhưng những người đã chết rồi hoặc không còn lưu sổ sách thì làm thế nào có thể chi trả lại được?”, BS Nguyễn Trọng An nói.

Không tỏ ra bất ngờ bởi theo ông An “hiện tượng này đã được xảy ra ở nhiều nơi chứ không chỉ ở đây và rất là lâu rồi mà không được phơi bày”.

Vụ việc làm mất niềm tin của tất cả người dân vào ngành y tế. Như cú sốc đối với người dân. Vì Bệnh viện Bạch Mai hay những bệnh viện công lập khác thường dành cho người nghèo và rất nhiều người dân thu nhập thấp vậy mà lại bị như thế. “Chẳng khác nào đánh vào túi tiền của người dân, cực kỳ kinh khủng....”, BS An bày tỏ.

Theo quan điểm của BS Nguyễn Trọng An, vụ việc này cần phải được xử lý nghiêm minh với hình thức cao nhất trong khung hình phạt.

“Đến giờ, Bạch Mai là bệnh viện lớn đầu tiên phát hiện phanh phui ra vấn đề này. Nó cũng đặt ra yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ các bệnh viện khác về vấn đề này. Đây là dấu hiệu cảnh tỉnh ngành Y tế cần có rà soát lại toàn bộ bệnh viện. Vụ việc là cơ sở để phân minh rõ ngành Y tế phải có hướng đi đúng đắn trong thời gian tới, BS Nguyễn Trọng An nêu.

Ông An cũng chỉ ra có sự móc ngoặc giữa bên cung ứng thiết bị với bệnh viện dưới “khẩu hiệu” xã hội hoá y tế. Trách nhiệm chính thuộc về giám đốc. Nếu không quyết định, không đồng ý thì không doanh nghiệp nào có thể vào trong Bệnh viện đặt máy được.

Trong đó ngành Y tế công – phục vụ người nghèo và làm y tế dự phòng. Ở đó, người nghèo phải được sự hỗ trợ, có sự trợ giá, trợ giúp của nhà nước để đảm bảo được chăm sóc y tế như những người khác.

Theo ông An, xã hội hoá theo đúng chủ trương ban đầu: Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính còn nhân dân và các tổ chức xã hội cùng chung tay góp sức thực hiện mục tiêu CSSK nhân dân là chủ trương đúng, nhưng đã bị biến tướng. Các bệnh viện cho máy móc vào và thu tiền của người bệnh. Đến giờ thì biến tướng quá khủng khiếp.

Bài liên quan