Miền Trung căng mình chống bão số 9: 2 tàu cá mất tích, cây xanh đổ la liệt

Thứ tư, 28/10/2020, 08:37 AM

Từ đêm 27/10 đến rạng sáng 28/10 bão số 9 đã khiến Đà Nẵng, Bình Định và nhiều địa phương miền Trung có mưa to, gió lớn quật đổ nhiều cây xanh.

Miền Trung căng mình chống bão số 9: Đà Nẵng - Bình Định mưa to, gió lớn, nhiều cây xanh gãy đổ. (Ảnh: IT).

Miền Trung căng mình chống bão số 9: Đà Nẵng - Bình Định mưa to, gió lớn, nhiều cây xanh gãy đổ. (Ảnh: IT).

Bão số 9 đổ bộ, miền Trung mưa rất to

Đêm 27/10 - rạng sáng ngày 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9 nhiều tỉnh miền Trung đã xuất hiện mưa to kèm giông lốc.

Tính đến 6h sáng nay, bão số 9 đang trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 280km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Tại Quảng Ngãi, nhiều nơi đã xuất hiện mưa lớn kèm theo những cơn gió rít liên hồi, giật từng cơn. Một số nơi đã bị cắt điện để đảm bảo an toàn trước thời điểm bão số 9 đổ bộ. (Ảnh FB Người Quảng Ngãi).

Tại Quảng Ngãi, nhiều nơi đã xuất hiện mưa lớn kèm theo những cơn gió rít liên hồi, giật từng cơn. Một số nơi đã bị cắt điện để đảm bảo an toàn trước thời điểm bão số 9 đổ bộ. (Ảnh FB Người Quảng Ngãi).

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Theo ghi nhận, trong đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Đình, trời bắt đầu nổi gió to từng đợt và mưa lớn. Cây xanh trên nhiều tuyến đường ở TP Quy Nhơn bị gió quật đổ gãy.

Hai tàu cá bị chìm, 26 ngư dân mất tích trên đường trú bão số 9

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho biết, 2 tàu cá của tỉnh này vừa gặp nạn khi đang chạy để tránh bão số 9.

Chiếc tàu cá được lai dắt vào bờ. (Ảnh: Dân trí).

Chiếc tàu cá được lai dắt vào bờ. (Ảnh: Dân trí).

Theo đó, lúc 15h15 chiều 27/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh nhận được thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về tàu cá BĐ 96388 TS của ông Lê Vạn ở Hoài Thanh, Hoài Nhơn ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Minh ở Tam Quan Nam, Hoài Nhơn làm thuyền trưởng, trên tàu có 12 người, đã bị chìm ở tọa độ 12043’N - 111027’E.

Tàu còn lại mang số hiệu BĐ 97469 TS trên tàu có 14 người cũng bị chìm, các thuyền viên bị nạn vẫn chưa tìm thấy.

Cuộc họp khẩn lúc nửa đêm ứng phó bão số 9 đổ bộ

Lúc 23h đêm 27/10, tại Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 9 đóng tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tiếp tục có cuộc họp với các ngành, các địa phương để chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão số 9.

Tường thuật từ báo Dân Việt về cuộc họp cho biết: Khi đang diễn ra cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần điện thoại cho Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để nắm thêm tình hình diễn biến của bão số 9 và đưa ra những chỉ đạo trực tiếp.

Theo đó, trong cuộc gọi đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tập trung tìm kiếm 26 ngư dân trên 2 tàu cá của tỉnh Bình Định bị chìm trên biển vào chiều 27/10.

"Đề nghị đồng chí trưởng ban (Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai-PV) tập trung tìm kiếm hàng chục ngư dân trên 2 chiếc tàu của tỉnh Bình Định bị chìm. Trời đêm tối rất khó khăn nhưng phải tìm ra phương án để tìm kiếm, đây là một trong những nhiệm vụ số 1 lúc này. Đồng thời, yêu cầu tất cả tàu thuyền phải vào trú ẩn ngay, ở Lý Sơn gió bắt đầu lớn lắm rồi đấy. Đồng chí có gắng động viên anh em ở trong đó vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục gọi điện cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Lần này, Thủ tướng yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khẩn trương có lệnh cưỡng chế tất cả người dân chưa chịu di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, nhà yếu, nguy cơ bị sạt lở, nguy cơ ngập sâu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe điện thoại của Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ứng phó bão số 9 vào lúc 23h30 đêm 27/10. (Ảnh: Dân Việt).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe điện thoại của Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ứng phó bão số 9 vào lúc 23h30 đêm 27/10. (Ảnh: Dân Việt).

"Tôi nắm thông tin các địa phương đã làm việc này nhưng cần làm quyết liệt hơn. Cần có ngay lệnh cưỡng chế để đưa người dân ra phải vùng nguy hiểm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Trước yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương, trong đó chủ lực là lực lượng của Bộ Quốc phòng như Quân khu 4, Quân khu 5 và có sự hỗ trợ của Quân khu 7 và Quân khu 7 khi tình huống bão mạnh, phức tạp và gây ra tổn thất nặng thì cần huy động thêm lực lượng.

Dân xây hầm trú bão số 9

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, người dân thôn Hòa Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam đã làm hầm trú bão.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Hồng Diện (50 tuổi, trú thôn Hòa Bình) cho biết, sau khi nghe thông tin về cơn bão số 9 rất mạnh sắp đổ bộ vào đất liền, gia đình ông đã tự chế hầm trú bão cạnh nhà.

Người dân thôn Hòa Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam làm hầm trú bão số 9. (Ảnh: Dân Trí).

Người dân thôn Hòa Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam làm hầm trú bão số 9. (Ảnh: Dân Trí).

Để làm hầm trú bão này, gia đình ông Diện đã dùng hơn 200 bao xi măng chứa đầy cát, chất thành tường. Chiều rộng của hầm trú bão này khoảng 2,5m và dài khoảng 3m, có thể chứa được 5-6 người trong gia đình ông. Ông Diện cho hay, cả nhà ông bắt đầu làm hầm trú bão từ chiều 26/10, đến trưa 27/10 là xong.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Mau (cùng trú thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) cũng cùng gia đình đào một cái hầm sâu khoảng hơn 1m trước nhà, rộng khoảng 3m. Sau đó, bà dùng những thanh sắt gác thành mái và dùng tấm tôn che lên phía trên hầm để trú bão.

Bài liên quan